Hình sự hóa là gì, vì sao hình sự hóa lại có thể dẫn đến oan sai?

97

Theo các chuyên gia pháp lý, hình sự hóa là hoạt động của cơ quan hành pháp và tư pháp. Nếu các cơ quan này hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, có nghĩa rằng đã xác định mối quan hệ pháp luật không đúng, có thể dẫn đến oan sai.

Hình sự hóa là gì?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, “hình sự hóa” là khái niệm được nhiều người nhắc đến thời gian gần đây, nhưng trong mỗi hoàn cảnh, mỗi sự việc lại có những ý nghĩa khác nhau.

Nếu hình sự hóa là hoạt động của cơ quan lập pháp, đó là một hoạt động để bổ sung tội danh cho bộ luật hình sự.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC

Còn hình sự hóa là khái niệm nói về hoạt động của cơ quan tư pháp, đó là ám chỉ hành vi áp dụng pháp luật hình sự không đúng, có thể dẫn đến oan sai.

Hiểu đơn giản nhất, hình sự hóa là quy định hành vi trong mối quan hệ dân sự, kinh tế được xác định là tội phạm và được ghi nhận lần đầu tiên trong luật hình sự.

Theo ông Cường, khái niệm hình sự hóa (criminalization) trong tội phạm học, là “quá trình các hành vi và cá nhân bị biến thành tội phạm và người phạm tội”. Các hành vi pháp lý trước đây có thể được chuyển thành tội phạm bằng pháp luật hoặc quyết định tư pháp.

Tùy vào từng thời điểm lịch sử cụ thể mà những hành vi của con người trong đời sống xã hội có thể gây nguy hại cho xã hội, cộng đồng.

Những hành vi đó được nhà nước xác định là nguy hiểm cho xã hội và được quy định trong bộ luật hình sự, gọi là tội phạm.

Khi đó, hoạt động lập pháp phải biến một hành vi trong mối quan hệ dân sự, kinh tế trở thành hành vi được xác định là tội phạm trong bộ luật hình sự được gọi là hình sự hóa.

Tùy vào mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử và yêu cầu của xã hội mà hoạt động lập pháp sẽ có những vấn đề được hình sự hóa và những vấn đề được phi hình sự hóa để sửa đổi bổ sung bộ luật hình sự.

Còn hoạt động hình sự hóa do cơ quan lập pháp thực hiện là hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của cơ quan lập pháp mà bất cứ quốc gia nào cũng theo những thừa nhận như vậy.

Ngoài cơ quan lập pháp ra, không có bất cứ cơ quan tổ chức cá nhân nào được phép hình sự hóa, được phép biến những hành vi thuộc quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế trở thành tội phạm.

Nếu như quan hệ pháp luật hình sự là mối quan hệ giữa nhà nước với người thực hiện hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ dân sự là mối quan hệ giữa các chủ thể trong giao dịch dân sự.

Tương tự như vậy, mối quan hệ hành chính là mối quan hệ giữa nhà nước với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quản lý hành chính; mối quan hệ kinh tế là mối quan hệ giữa các chủ thể có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về dân sự, thương mại…

Hình sự hóa có thể dẫn đến oan sai

Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền xác lập mối quan hệ hình sự, quan hệ dân sự, quan hệ hành chính, quan hệ lao động, quan hệ kinh doanh thương mại…

Khi các mối quan hệ này đã được xác lập và ghi nhận trong các văn bản pháp luật khác nhau, các cơ quan hành pháp, các cơ quan tư pháp, tuân thủ và xác định đúng mối quan hệ pháp luật để xác định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể phát sinh trong quá trình thực hiện các quan hệ pháp luật này.

Nếu trong quá trình thực hiện các hoạt động hành pháp, tư pháp mà áp dụng sai quan hệ pháp luật. Mối quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế lại cho rằng đây là quan hệ pháp luật hình sự, xử lý người vi phạm nghĩa vụ dân sự, nghĩa vụ kinh tế bằng chế tài hình sự, đây là sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, dẫn đến oan sai.

Bởi vậy, nếu các cơ quan hành pháp, các cơ quan tư pháp như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án mà hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, có nghĩa rằng đã xác định mối quan hệ pháp luật không đúng.

Những quan hệ dân sự lại áp dụng luật hình sự để giải quyết, dẫn đến không đảm bảo quyền của các chủ thể, gây thiệt hại cho các chủ thể và tạo ra những vụ án hình sự oan sai.

Như vậy, trong hoạt động quản lý kinh tế, trong hoạt động tư pháp, việc xác định các mối quan hệ pháp luật là vấn đề rất quan trọng để lựa chọn luật áp dụng.

Trong khi đó, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, nếu sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, không lựa chọn đúng văn bản pháp luật đối với những tình huống pháp lý, đặc biệt là lại sử dụng luật hình sự trong các quan hệ dân sự, kinh tế, đó là những sự việc nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền lợi của các chủ thể trong quan hệ pháp luật.

Tóm lại, trong quan hệ dân sự, kinh tế phát sinh những hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội, cơ quan lập pháp thừa nhận đưa vào bộ luật hình sự để xác định là một hành vi phạm tội mới, quy định chế tài hình sự đối với hành vi này, hoạt động này được xác định là hình sự hóa.

Còn các hành vi không được mô tả trong bộ luật hình sự mà lại xác định là tội phạm, đây là hình sự hóa của các cơ quan hành pháp, tư pháp, là sai lầm trong việc áp dụng pháp luật và dẫn đến một vụ án oan sai.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai