Kháng nghị phúc thẩm bản án hình sự sơ thẩm tội Gây rối trật tự công cộng

336

Viện trưởng Viện KSND tỉnh Nguyễn Xuân Sanh vừa ký quyết định số 1440/QĐ-VKSQB kháng nghị phúc thẩm bản án hình sự sơ thẩm số 17/2020/HSST, ngày 12-5-2020 của TAND huyện Lệ Thủy xét xử các bị cáo Lê Văn Bình (SN 1964), Nguyễn Văn Quảng (SN 1968), Hoàng Hữu Hiện (SN 1969), Nguyễn Đình Hiệp (SN 1980), Nguyễn Văn Hòa (SN 1976), Nguyễn Thị Hóa (SN 1970) và Ngô Văn Hội (SN 1967), cùng trú tại xã Ngư Thủy Nam (nay là xã Ngư Thủy) phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Lê Thủy, diễn biến vụ án xảy ra như sau: Sáng ngày 19-7-2019, khi HĐND xã Ngư Thủy Nam đang tiến hành kỳ họp thứ 9, khóa VIII, nhiệm kỳ 2016-2021 tại trụ sở xã thì đối tượng Lê Văn Bình cùng nhiều người dân đưa một chiếc thuyền (tài sản của Lê Thanh Hanh, con trai bị cáo Bình) đến đặt chắn ngang trước cổng trụ sở xã. Sau đó, bị cáo Bình với các bị cáo có tên trên cùng nhiều người dân xông vào hội trường hò hét, gây rối, cản trở phiên họp của HĐND xã, đòi giải quyết đơn thư khiếu nại liên quan đến công tác đền bù, hỗ trợ thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển.

Mặc dù chủ tọa kỳ họp cùng các lực lượng chức năng tiến hành giải thích, tuyên truyền, vận động, tuy nhiên, các đối tượng gây rối vẫn không chấp hành. Lê Văn Bình, Nguyễn Hữu Hóa, Hoàng Hữu Hiện thậm chí đòi giải tán kỳ họp.

Đến khoảng 10 giờ cùng ngày, khi cuộc họp tiếp tục, các đối tượng trên lại xông vào hội trường gây ồn ào, to tiếng, lộn xộn. Lê Văn Bình đi ra cổng trụ sở nổ máy thuyền, rú ga. Nguyễn Đình Hiệp, Nguyễn Văn Hòa có nhiều lời lẽ thô tục, mạt sát ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nam. Do tình hình phức tạp, không thể triển khai cuộc họp đúng theo kế hoạch, chủ tọa kỳ họp buộc phải tuyên bố tạm hoãn.

Trong vụ án này, nổi lên vai trò “chủ chòm” của bị cáo Lê Văn Bình. Các bị cáo Nguyễn Đình Hiệp, Hoàng Hữu Hiện, Nguyễn Văn Quảng trợ giúp đắc lực. Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Thị Hóa, Ngô Văn Hội hưởng ứng nhiệt tình.


Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2020/HSST của TAND huyện Lệ Thủy tuyên phạt các bị cáo: Lê Văn Bình, Nguyễn Đình Hiệp, Hoàng Hữu Hiện cùng mức án 24 tháng tù giam; Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Thị Hóa, Ngô Văn Hội cùng mức án 18 tháng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36 tháng. Riêng bị cáo Nguyễn Văn Quảng chịu mức án 8 tháng 16 ngày, đúng bằng thời gian tạm giữ, tạm giam, HĐXX tuyên trả tự do tại phiên tòa.

Sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án, Viện KSND tỉnh cho rằng bản án hình sự sơ thẩm số 17/2020/HSST của TAND huyện Lệ Thủy còn có những sai sót, vi phạm:

Thứ nhất, các bị cáo Hoàng Hữu Hiện, Nguyễn Đình Hiệp, Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Thị Hóa, Ngô Văn Hội, Nguyễn Văn Quảng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ: “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự là không đúng quy định pháp luật.

Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 2, Điều 9, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì “… Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 3 năm đến 7 năm tù…”.

Theo khoản 1, Điều 6, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: “Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”.

Như vậy, hành vi của các bị cáo là lỗi cố ý gây rối nhằm cản trở HĐND xã Ngư Thủy Nam không thể tiến hành kỳ họp thứ 9, HĐND xã khóa VIII, nhiệm kỳ 2016-2021, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thuộc trường hợp nghiêm trọng theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Thứ hai, bản án sơ thẩm không áp dụng tình tiết định khung theo điểm c, khoản 2, Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với các bị cáo Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Thị Hóa, Ngô Văn Hội.

Thứ ba, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Văn Quảng được HĐXX, TAND huyện Lệ Thủy tuyên trả tự do tại phiên tòa nhưng bản án sơ thẩm không nêu rõ lý do và áp dụng điều luật cụ thể.

Vì các nguyên nhân trên, Viện KSND tỉnh quyết định kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm số 17/2020/HSST của TAND huyện Lệ Thủy về phần áp dụng pháp luật đối với các bị cáo.

Viện KSND tỉnh yêu cầu TAND tỉnh đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với các bị cáo cáo Hoàng Hữu Hiện, Nguyễn Đình Hiệp, Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Thị Hóa, Ngô Văn Hội, Nguyễn Văn Quảng.

Áp dụng tình tiết định khung theo điểm c, khoản 2, Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với các bị cáo Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Thị Hóa, Ngô Văn Hội. Đồng thời, nêu rõ lý do và áp dụng điều luật cụ thể trả tự do tại phiên tòa đối với bị cáo Nguyễn Văn Quảng.

Điều luật tham khảo:

Điều 6. Hội đồng nhân dân (Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015)

1. Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

2. Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.

Đại biểu Hội đồng nhân dân bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân.

3. Thường trực Hội đồng nhân dân là cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định, khác của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân.

Thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân không thể đồng thời là thành viên của Ủy ban nhân dân cùng cấp.

4. Ban của Hội đồng nhân dân là cơ quan của Hội đồng nhân dân, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình Hội đồng nhân dân, giám sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân.

Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Bộ luật hình sự 2015)

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

m) Phạm tội do lạc hậu;

n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

r) Người phạm tội tự thú;

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải;

t) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm;

u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

x) Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng.

2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai