Khiếu nại cáo trạng và việc giải quyết khiếu nại cáo trạng của Viện kiểm sát

1025

Viện kiểm sát là cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành bản Cáo trạng và Cáo trạng của Viện kiểm sát là một dạng quyết định tố tụng để truy tố bị can ra trước tòa (điểm a Khoản 1 Điều 166/BLTTHS).
Như vậy, chỉ những người tham gia tố tụng được qui định trong Bộ luật tố tụng hình sự mới có quyền khiếu nại bản Cáo trạng và việc giải quyết khiếu nại Cáo trạng thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát. Cáo trạng giới hạn phạm vi xét xử của Tòa án, Tòa án chỉ xét xử những bị cáo, những hành vi theo tội danh đã nêu trong bản Cáo trạng được quy định trong Bộ luật hình sự và là cơ sở, căn cứ để Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tiến hành các hoạt động tố tụng và quyết định đưa vụ án ra xét xử. Do vậy, khiếu nại đối với bản Cáo trạng là thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát. Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn giải quyết khiếu nại phải tuân theo Điều 330 Bộ Luật Tố tụng hình sự; việc lập hồ sơ giải quyết khiếu nại phải theo quy định tại khỏan 1 Điểm 1.4 phần II Thông tư liên tịch số 02/2005.

Trong thực tế phát sinh khiếu nại đối với bản Cáo trạng rất đa dạng nên nhận thức và áp dụng pháp luật khác nhau. Khi Cáo trạng bị khiếu nại có nơi Viện kiểm sát không ra quyết định giải quyết mà chỉ đưa vào hồ sơ kiểm sát hoặc chuyển sang Tòa án chờ xét xử. Có nơi không ra quyết định giải quyết mà trả lời văn bản, giấy báo tin…hoặc ra quyết định giải quyết khiếu nại Cáo trạng nhưng chưa thực hiện đúng những quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hoặc chưa xem xét về thời hạn, thời hiệu để giải quyết khiếu nại. Dẫn đến có trường hợp khiếu nại nhiều lần, vượt cấp.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của Viện kiểm sát được quy định cụ thể tại Chương XXXV Bộ luật tố tụng hình sự. Thông tư Liên tịch số 02/2005/TTLT-BCA-VKSTC-TANDTC-BQP-BTP ngày 10/8/2005; Riêng với Ngành kiểm sát còn được hướng dẫn cụ thể tại Quy chế số 59/QĐ-VKSTC-V7 ngày 6/2/2006 của Viện trưởng Viện KSND tối cao; các Quy chế nghiệp vụ và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ khác liên quan đến công tác khiếu tố.

Theo Điều 36, Điều 330/BLTTHS nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, người đã thực hiện hành vi hoặc ban hành Quyết định tố tụng bị khiếu nại không có quyền giải quyết khiếu nại về hành vi, quyết định của mình. Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, hoặc Phó Viện trưởng thực hiện thông qua cơ chế ủy quyền ký thay. Viện trưởng có thể ủy nhiệm cho Phó Viện trưởng thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phó Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về nhiệm vụ được giao. Như vậy, dù là Viện trưởng hay Phó Viện trưởng ký Quyết định giải quyết khiếu nại thì mỗi cấp kiểm sát chỉ được thực hiện một trình tự giải quyết khiếu nại, cho nên, quyết định giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát cấp dưới bị khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại cuối cùng thuộc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên.

* Khiếu nại bản Cáo trạng khi hồ sơ chưa chuyển đến Tòa án.

Theo Điều 330 Bộ Luật Tố tụng hình sự, thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát được quy định như sau:

“Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên do Viện trưởng giải quyết trong thời hạn bảy ngày (7 ngày), kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn mười lăm ngày(15 ngày), kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.

Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát do Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết trong thời hạn mười lăm ngày(15 ngày), kể từ ngày nhận được khiếu nại. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng”.

* Khiếu nại bản Cáo trạng sau khi hồ sơ vụ án đã chuyển đến Tòa án.

Việc xem xét giải quyết khiếu nại Cáo trạng kịp thời mang tính chấp hành, tôn trọng pháp luật. Ngoài ra thông qua việc giải quyết khiếu nại bản Cáo trạng, Viện kiểm sát có điều kiện kiểm tra tính đúng đắn của Quyết định truy tố, kịp thời khắc phục những sai sót tránh việc Tòa án trả lại hồ sơ điều tra bổ sung hoặc tuyên bị cáo không phạm tội. Trên cơ sở hồ sơ kiểm sát đã được xây dựng qua quá trình thực hiện công tác kiểm sát điều tra, Viện kiểm sát đủ cơ sở để giải quyết khiếu nại Cáo trạng. Khi xem xét giải quyết khiếu nại Cáo trạng còn là cơ sở củng cố niềm tin của kiểm sát viên giữ quyền công tố bảo vệ quyết định truy tố của Viện kiểm sát./.

Quy định mới về việc giải quyết khiếu nại cáo trạng của Viện kiểm sát

Theo quy định tại Điều 330 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Phần II, Mục 1, tiểu mục 1.4 Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCA-VKSTC-TANDTC-BQP-BTP ngày 10/8/2005, quy định hình thức giải quyết khiếu nại Cáo trạng là phải ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại. Nếu Cáo trạng do Phó Viện trưởng ký ban hành thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết, nếu Cáo trạng do Viện trưởng ký ban hành thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên giải quyết.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 469 Bộ Luật TTHS năm 2015, quy định “Đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm, Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị thì giải quyết theo quy định tại các chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI của Bộ luật này”. Tuy nhiên tại các chương tương ứng (XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI, XXXI) không quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại Cáo trạng. Do đó, ngày 08/3/2018, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 877/VKSTC-V12, thông báo rút kinh nghiệm về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, có nội dung hướng dẫn là: “khi nhận được đơn khiếu nại đối với cáo trạng hoặc quyết định truy tố, đơn vị 12 chuyển đến đơn vị nghiệp vụ của Viện kiểm sát cấp mình hoặc Viện kiểm sát đã ban hành cáo trạng đó để xem xét theo hồ sơ vụ án và ban hành Công văn trả lời trong trường hợp cần thiết”.

Như vậy, theo hướng dẫn của Viện KSND tối cao thì hình thức giải quyết khiếu nại Cáo trạng là ban hành Công văn trả lời trong trường hợp cần thiết (không phải ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại như quy định của BLTTHS năm 2003). Thẩm quyền giải quyết là Viện kiểm sát đã ban hành Cáo trạng (kể cả trường hợp Viện trưởng ký ban hành vẫn do Viện kiểm sát cấp đó giải quyết).

Khiếu nại cáo trạng, ai giải quyết?

Theo BLTTHS 2003, khiếu nại cáo trạng thuộc thẩm quyền giải quyết của VKS theo trình tự thủ tục khiếu nại trong tố tụng hình sự.
BLTTHS 2015 (đang được sửa đổi) có quy định việc khiếu nại cáo trạng nhưng lại không quy định về thủ tục, trình tự giải quyết.

Điều 330 BLTTHS 2003 và Thông tư liên tịch số 2-2005 giữa Bộ Công an – VKSND Tối cao – TAND Tối cao – Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn giải quyết khiếu nại cáo trạng thuộc thẩm quyền của VKSND.

Thế nhưng khoản 2 Điều 469 BLTTHS năm 2015 quy định: Đối với cáo trạng hoặc quyết định truy tố nếu có khiếu nại thì giải quyết theo quy định tại các chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI của bộ luật này. Thực tiễn tố tụng hình sự cho thấy VKSND truy tố bị can bằng bản cáo trạng chứ không ban hành quyết định truy tố. Do đó khiếu nại cáo trạng chính là khiếu nại quyết định truy tố của VKSND.

Như vậy, khi BLTTHS 2015 có hiệu lực thì khiếu nại đối với cáo trạng không được giải quyết theo quy định tại chương XXXIII về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự. Trong khi các chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI trong BLTTHS 2015 không thấy có điều nào quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết đơn khiếu nại cáo trạng hoặc quyết định truy tố. Vấn đề đặt ra là người bị buộc tội và những người tham gia tố tụng có khiếu nại về cáo trạng thì ai hoặc cơ quan nào là nơi giải quyết. Do đó trong quá trình sửa đổi BLTTHS 2015 các cơ quan liên quan nên rà soát lại các quy định nêu trên để kịp thời quy định thẩm quyền việc giải quyết khiếu nại liên quan đến cáo trạng.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai