>
Chúng tôi là Luật sư Nguyễn Minh Long, Nguyễn Trung Tiệp – Công ty Luật Dragon – Thuộc Đoàn luật sư Hà Nội, nhận đơn mời luật sư của ông Lưu Viết Long, Lưu Viết Quyền và được sự chấp thuận của TAND TP. Hà Nội. Chúng tôi có mặt trong phiên tòa hôm nay với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho 02 bị đơn là ông Long, anh Quyền trong vụ án “Tranh chấp chia tài sản thừa kế theo pháp luật” do nguyên đơn là ông Lưu Viết Hoành khởi kiện.
- Về căn cứ kháng cáo của bị đơn Lưu Viết Long, Lưu Viết Quyền
Ngày 23/11/2017, TAND huyện Thanh Xuân xét xử sơ thẩm ra bản án số 13/2017/DSST quyết định:
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Lưu Viết Hoành về việc chia tài sản thừa kế theo pháp luật của cụ Lưu Viết Tám và Lê Thị Hòa;
- Tuyên bố “văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế” số công chứng 2687/2010/TTPC, Quyển số 02/VP/CC-SCC/HĐGD ngày 14/9/2010 tại VPCC Thành Đô, TP. Hà Nội giữa cụ Lê Thị Hòa, ông Lưu Viết Long, Lưu Viết Quyền, bà Lưu Thị Huế bị vô hiệu toàn bộ;
- Tuyên hủycác Hợp đồng tặng cho QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác liền với đất, số công chứng 4894/2010/HĐTA và 4895/2010/HĐTA được VPCC Hoàng Mai chứng nhận ngày 2/12/2017 được xác lập giữa cụ Lê Thị Hòa với ông Lưu Viết Long, Lưu Viết Quyền bị vô hiệu toàn bộ;
- Đồng thời hủy các giấy chứng nhận QSDĐ số: BC 526737 mang tên cụ Lê Thị Hòa; GCNQSDĐ số BC 564870 mang tên Lưu Viết Long; GCNQSDĐ số BC 564871 mang tên Lưu Viết Quyền. Bản án sơ thẩm còn quyết định nhiều vấn đề khác.
Theo đó, ngày 1/12/2017, ông Lưu Viết Long, Lưu Viết Quyền làm đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm trên với yêu cầu đề nghị TAND TP. Hà Nội xét xử phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm đã tuyên. Như vậy về mặt trình tự tố tụng, các bị đơn kháng cáo đảm bảo theo đúng quy định tại các Điều 273, 276 BLTTDS 2015.
Kính thưa HĐXX!
Qua trao đổi làm việc với các đương sự, nghiên cứu hồ sơ vụ án và phần thẩm vấn, xét hỏi công khai tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay. Chúng tôi trình bày bản luận cứ bảo vệ cho thân chủ của mình với những nội dung và quan điểm pháp lý như sau:
- Về nguồn gốc thửa đất
Sinh thời cụ Lưu Viết Tám và cụ Lê Thị Hòa tạo dựng được tổng thể là 741 m2 đất tại thôn Hữu Lê, Hữu Hòa, Thanh Xuân, Hà Nội. Hai cụ có xây dựng được ngôi nhà cấp 04 diện tích hơn 100 m2 và một số công trình xây dựng khác. Năm 2005, hai cụ có đứng ra chia cho ông Long 213 m2, ông Hoành được 215 m2, ông Quyền 44 m2, cho bà Hường được 90 m2 ; còn lại 02 cụ để dành xuất 179 m2 đất để dưỡng già. Trên thực tế khi chia thì ngôi nhà cấp bốn 100 m2 nằm vào vị trí đất ông Hoành được chia, còn phần đất 179 m2 (đo theo hiện trạng là 172 m2 hai cụ để dưỡng già là vườn và ao, không có tài sản gì trên đất. UBND huyện Thanh Xuân cấp giấy chứng nhận QSDĐ đã phản ánh không đúng hiện trạng nên ghi trong giấy chứng nhận là trên đất có một ngôi nhà 01 tầng diện tích 100 m2. Sau này khi tách sổ cho ông Long 61m2 và ông Quyền 118 m2 cũng đã phản ánh đúng hiện trạng nên ghi trong sổ đỏ của là trên đất có nhà cấp bốn 50 m2. Trên thực tế, diện tích là 179 m2 (đo theo hiện trạng là 172 m2) đang tranh chấp không có tài sản, chỉ là đất trống.
Về quá trình quản lý sử dụng: khoảng năm 2007, 2008 cụ Lê Thị Hòa đã ủy quyền cho hai anh em ông Long, ông Quyền lấp ao, công sức tiền lấp ao do ông Long và Quyền bỏ ra. Tường bao quanh trên thửa đất do ông Long, Quyền xây dựng. Sau khi lấp ao cụ Hòa trồng trọt trên đất một thời gian, sau đó bà Bình trồng cây. Hàng năm ông Long và Quyền vẫn nộp thuế cho thửa đất.
Bên cạnh đó, khi cụ Hòa còn sống, chỉ có ông Lưu Viết Long, Lưu Viết Quyền đã có công chăm sóc cụ Hòa khi ốm đau, tuổi già, còn vợ chồng ông Hoành đối xử không đúng nghĩa vụ làm con.
Hơn nữa, khi còn sống cụ Tám và cụ Hòa đã để lại văn bản thỏa thuận như di chúc đề ngày 15/12/2005 với thửa đất này. Việc cụ Hòa xác lập hợp đồng tặng cho đối với các con vào năm 2010 là phù hợp với ý trí của người sở hữu tài sản. Trên cơ sở đó, những người được chia đã làm thủ tục tại các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đã được cấp sổ đỏ mới đối với phần đất được chia.
- Về yêu cầu hủy giấy CNQSDĐ của nguyên đơn
Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ yêu cầu trên của ông Lưu Viết Hoành và rất đồng tình với quan điểm của UBND huyện Thanh Xuân – Người có QLNVLQ vụ án mà đại diện ông Nguyễn Tiến Cường là phó chủ tịch UBND huyện Thanh Xuân trong bản tự khai ngày 26/8/2016 và 02/03/2018 có nội dung như sau :
«Ngày 28/01/2007, ông Lưu Viết Tám chết (giấy chứng tử số 06 quyển số 01 do UBND xã Hữu Hòa, huyện Thanh Xuân cấp ngày 30/01/2007) không để lại di chúc.
Bà Lê Thị Hòa (là vợ ông Tám) cùng các con : Lưu Viết Quyền, Lưu Viết Long, Lưu Thị Huế đã bàn thỏa thuận phân chia di sản thừa kế ; các con bà Hòa là Quyền, Long, Huế ) cùng đồng ý cho tặng toàn bộ kỷ phần thừa kế của mình tại thửa đất và tài sản gắn liền với đất đối với thửa đất nêu trên cho bà Lê Thị Hòa và được VPCC Thành Đô, TP. Hà Nội chứng nhận ngày 14/9/2010.
Ngày 5/11/2010, UBND huyện Thanh Xuân đã cấp Giấy CNQSDĐ số BC 526737, số vào sổ CH 00283 đối với thửa đất nêu trên mang tên Lê Thị Hòa. Bà Hòa đã tặng 61 m2 trong tổng số 179 m2 cho Lưu Viết Long, sinh ngày 16/10/1962, chứng MTND số 011173006 tại thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa và được UBND huyện Thanh Xuân cấp giấy CNQSDĐ số BC 564876, số vào sổ CH 00310 ngày 10/01/2011. Số diện tích còn lại 118 m2 có nhà xây gạch 01 tầng, diện tích xây dựng 50 m2, cụ Hòa đã tặng cho Lưu Viết Quyền, sinh năm 1970, CMT 012501217, tại thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, và được UBND huyện Thanh Xuân cấp GCNDQSDĐ số BC 564871, số vào sổ CH 00283 ngày 10/01/2011».
Như vậy, về quy trình đăng ký biến động đã được văn phòng đăng ký đất đai và nhà ở huyện Thanh Xuân (nay là VPĐKĐĐ Hà Nội chi nhánh huyện Thanh Xuân thực hiện theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Bởi thế, chúng tôi không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn tuyên hủy các sổ đỏ đã cấp cho cụ Lê Thị Hòa, và ông Lưu Viết Long, Lưu Viết Quyền.
- Về yêu cầu chia tài sản thừa kế theo pháp luật của nguyên đơn.
Trong nội dung Đơn khởi kiện của ông Lưu Viết Hoành có viện dẫn các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 tại các Điều 675, Điều 676 cho rằng: “Tại thời điểm bố tôi mất năm 2007 thì mẹ tôi là bà Lê Thị Hòa, và sáu anh chị em chúng tôi gồm: Lưu Thị Bình, Lưu Viết Hoành, Lưu Viết Long, Lưu Viết Quyền, Lưu Thị Huế, Lưu Thị Hường là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được hưởng di sản của bố tôi”.
Như vậy, ông Hoành đã nêu rõ căn cứ pháp lý và đối tượng chia tài sản thừa kế theo pháp luật là thửa đất số 25, thuộc tờ bản đồ số 17, diện tích 179 m2 có địa chỉ tại thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Xuân, Hà Nội, đã được UBND huyện Thanh Xuân cấp Giấy CNQSDĐ số AB700764 ngày 27/7/2005 mang tên ông Lưu Viết Tám.
Tuy nhiên, căn cứ vào biên bản họp gia đình ngày 6/3/2005, văn bản thỏa thuận như bản di chúc ngày 16/12/2015 của cụ Lưu Viết Tám và Lê Thị Hòa có xác nhận của UBND xã Hữu Hòa thì đây là biên bản thỏa thuận về tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Do vậy, thời điểm cụ Lưu Viết Tám mất năm 2007 Tổng diện tích thửa đất này là 179 m2 thì cụ Lê Thị Hòa đã quyết định tặng cho ông Lưu Viết Long và Lưu Viết Quyền đề nghị Tòa ghi nhận, còn lại ½ tài sản của cụ Lê Viết Tám chúng tôi đề nghị HĐXX chia đều cho các đồng thừa kế theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, ông Long, ông Quyền có công sức chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ lúc già yếu và tôn tạo thửa đất đề nghị Tòa phúc thẩm TAND Hà Nội ghi nhận, chia thêm kỷ phần cho thân chủ chúng tôi.
- Về tố tụng
- Tòa sơ thẩm vi phạm về thời gian xét xử
Trang 13 Bản án sơ thẩm của TAND huyện Thanh Xuân có nêu ý kiến của Đại diện VKSND huyện Thanh Xuân như sau: “về thời hạn giải quyết vụ án thì tháng 11/2014 thụ lý vụ án, đến tháng 8/2017 mới đưa ra xét xử là bị quá hạn”. Đối chiếu với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 tại Điều 203. Thời hạn chuẩn bị xét xử là:
- Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:
- a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
- b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này.
Như vậy, vụ án này TAND huyện Thanh Xuân tính từ thời điểm thụ lý đến khi xét xử là gần 03 năm, vượt quá thời gian quy định mà luật cho phép. Đây là sự vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.
- Việc viện dẫn và áp dụng pháp luật không đúng.
Mục 17 trang 19 và trang 23 (phần áp dụng) Bản án sơ thẩm của TAND huyện Thanh Xuân viện dẫn, áp dụng quy định tại Điều 17 Luật Hôn nhân gia đình năm 1986 là không đúng, không phù hợp trong việc giải quyết vụ án. Bởi lẽ:
Một là: Thời điểm này luật Hôn nhân gia đình năm 1986 đã hết hiệu lực không còn giá trị pháp lý. Vì văn bản thỏa thuận của vợ chồng cụ Tám, cụ Hòa được xác lập vào năm 2005. Hơn nữa, thời điểm cụ Lưu Viết Tám chết là ngày 28/01/2007. Do vậy, phải áp dụng văn bản Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 đã có hiệu lực.
Chính vì lẽ đó, mà việc thỏa thuận của vợ chồng cụ Tám, cụ Hòa xác lập tài sản cho các con trên cơ sở tự nguyện ý trí và nhận thức đúng đắn là hoàn toàn phù hợp với các quy định tại Điều 219 Bộ Luật Dân sự năm 2005 và Điều 27 Luật Hôn nhân gia đình 2000 quy định tại thời điểm đó, cụ thể như sau:
“Điều 219. Sở hữu chung của vợ chồng:
“1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất.
- Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
- Vợ chồng cùng bàn bạc, thoả thuận hoặc uỷ quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
- Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thoả thuận hoặc theo quyết định của Toà án.”
Luật HNGĐ năm 2000 – Điều 27. Tài sản chung của vợ chồng:
- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.
- Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng.
- Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.”
Đối chiếu với những quy định nêu trên với văn bản thỏa thuận của hai cụ Lưu Viết Tám, Lê Thị Hòa xác lập năm 2005 thì rõ ràng đây là khối tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất nên họ đã có sự bàn bạc, thống nhất đi đến quyết định lập thành văn bản về sự thỏa thuận này của vợ chồng chứ không phải là tiến hành lập di chúc như nguyên đơn và Tòa sơ thẩm nhìn nhận đánh giá đây là bản di chúc.
Hai là: Tiêu đề của văn bản này đã đề rất rõ là VĂN BẢN THỎA THUẬN. Do đó, khi cụ Tám, cụ Hòa có nguyện vọng mong muốn lập thành văn bản nhưng tuổi đã cao không viết được và bảo ông Lưu Viết Long là con trai lớn viết nên ông Long mới ghi chép lại theo lời, theo ý của bố mẹ về việc định đoạt tài sản của vợ chồng là thửa đất 179 m2 trên cho các con. Sau đó, văn bản thỏa thuận trên của hai cụ được trưởng thôn xác nhận và chính quyền xã đóng dấu xác thực là hoàn toàn phù hợp, đúng với quy định của Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn quy định Biên bản thỏa thuận tài sản của vợ chồng phải được công chứng hoặc chứng thực.
Ba là: Tại Điều 3 của Văn bản thỏa thuận có nội dung:
“Nếu số tài sản trên vẫn còn, chẳng may một người nào mất trước, thì người còn sống sẽ được toàn quyền định đoạt khối tài sản chung đó: có toàn quyền chuyển nhượng hay cho tặng các con hoặc người ngoài thì không cần phải hỏi ý kiến của các con”.
Như vậy, xét về mặt nội dung tại Điều 3 trong văn bản thỏa thuận vợ chồng của hai cụ Lưu Viết Tám, Lê Thị Hòa là hoàn toàn phù hợp và đúng với quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 219 Bộ Luật Dân sự năm 2005 và khoản1, khoản 2 Điều 27 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000. Trên cơ sở đó, khi cụ Tám mất năm 2007, cụ Lê Thị Hòa còn sống là người có toàn quyền định đoạt khối tài sản đó của vợ chồng. Vì thế, cụ Tám đã tặng cho lại quyền sử dụng đất cho ông Lưu Viết Long, Lưu Viết Quyền là đúng với ý trí, mong muốn của mình. Bởi, ông Long, ông Quyền là người có công chăm sóc, phụng dưỡng mẹ, còn ông Hoành, bà Bình đối xử không tốt với bố mẹ.
Từ những căn cứ và phân tích trên, chúng tôi cho rằng Tòa sơ thẩm đánh giá, nhận định văn bản thỏa thuận của vợ chồng hai cụ Lưu Viết Tám, Lê Thị Hòa là bản di chúc là không đúng với quy định pháp luật và sự thật khách quan. Mặt khác, tại mục 11 trang 17 bản án, Tòa án huyện Thanh Xuân còn viện dẫn quy định tại khoản 1 Điều 658 Bộ Luật Dân sự 2005 để so sánh, kết luận:
“Như vậy, trình tự cụ Tám, cụ Hòa lập bản di chúc trên là không đúng quy định. Việc cụ Tám tự cầm di chúc đến UBND xã xin xác nhận (như lời khai của nguyên trưởng thôn Hữu Lê và nguyên Chủ tịch UBND xã Hữu Hòa) không đủ căn cứ để chứng minh là khi lập di chúc, cụ Tám có minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa hay cưỡng ép không”.
Chúng tôi không đồng tình với nhận định, phán xét trên của Tòa sơ thẩm. Bởi, như trên đã trình bày, lúc muốn lập văn bản thỏa thuận này, cụ Tám và cụ Hòa còn rất khỏe, tinh thần tốt, không bị hạn chế về mặt nhận thức nên đã bảo ông Long ghi chép thành văn bản làm căn cứ cho việc định đoạt quyền sử dụng đất là tài sản chung vợ chồng của hai cụ.
Mặt khác, nếu xác định lập di chúc ông Long đã đưa bố mẹ đến UBND xã hoặc văn phòng công chứng để xác lập di chúc. Đồng thời, ông Long không bao giờ vừa là người chứng kiến vừa là người viết cho bố mẹ mình vì như thế là vi phạm vào các khoản 1, khoản 2 Điều 654 BLDS 2005 quy định:
“Điều 654. Người làm chứng cho việc lập di chúc
Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
- Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự”.
- Bản án sơ thẩm nêu không đúng quan điểm của luật sư
Tại phiên xét xử sơ thẩm, luật sư Nguyễn Minh Long, Nguyễn Minh Nguyên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Lưu Viết Long, Lưu Viết Quyền đưa ra quan điểm pháp lý cho rằng: đây không phải là bản di chúc mà là “Biên bản thỏa thuận của vợ chồng”. Song, đoạn cuối trang 12 bản án lại nêu: “Luật sư Long và Nguyên có quan điểm bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận di chúc của cụ Tám và hai hợp đồng tặng cho nhà đất của cụ Hòa cho ông Long, ông Quyền là đúng quy định của pháp luật” là không đúng với thực tiễn tranh tụng của phiên Tòa xét xử và ý kiến pháp lý của hai luật sư, có tính áp đặt, viện dẫn sai.
Từ những nhận định, phân tích trên kết luận: TAND huyện Thanh Xuân xét xử sơ thẩm cho rằng văn bản thỏa thuận của Lưu Viết Tám, Lê Thị Hòa để lại là di chúc trái pháp luật nên không có giá trị pháp lý. Theo đó, chia tài sản thừa kế theo pháp luật như trong bản án sơ thẩm là hoàn toàn sai, không đúng với ý trí, nguyện vọng của người có di sản để lại. Bởi, đây là “Biên bản thỏa thuận của vợ chồng về tài sản”.
- Đề nghị của luật sư
Qua những phần trình bày nêu trên, chúng tôi đề nghị cụ thể như sau:
1) Đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, áp dụng khoản 2 Điều 310 BLTTDS 2015 hủy toàn bộ hoặc một phần bản án sơ thẩm do việc áp dụng pháp luật không đúng và có những vi phạm về tố tụng;
2) Đề nghị HĐXX chia thừa kế theo pháp luật đối với thửa đất số 25, thuộc tờ bản đồ số 17, diện tích 179 m2 là tài sản chung vợ chồng hại cụ Lưu Viết Tám và Lê Thị Hòa theo hướng: chia ½ tài sản của cụ Tám cho các đồng thừa kế. Phần tài sản thuộc quyền sở hữu của cụ Lê Thị Hòa đã định đoạt tặng cho các con đề nghị HĐXX giữ nguyên.
Chúng tôi tin tưởng rằng HĐXX sẽ ra một bản án công minh, đúng pháp luật!
Xin chân thành cảm ơn HĐXX đã lắng nghe!
Luật sư: Nguyễn Minh Long, Nguyễn Trung Tiệp.
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai