Nguyên cán bộ Trường đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông lĩnh án Lừa đảo

96

Cho rằng mình không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyên cán bộ Trường đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông lập tức có đơn kháng cáo kêu oan.

Bị cáo kêu oan, “làm phúc phải tội”?

TAND thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) vừa tuyên phạt bị cáo Lê Thảo Nguyên (SN 1979; HKTT tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội), nguyên là cán bộ Trường đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông, 9 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ, một lần về quê ở thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Lê Thảo Nguyên vô tình gặp lại anh H.P (SN 1987, ở thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa), con trai của ông Hà Trọng Tân (SN 1955), thầy giáo cũ của mình tại trường PTTH Tĩnh Gia I.

Theo kết luận của cơ quan tố tụng thì Nguyên biết anh P. đã học ra trường nhưng chưa có việc làm nên chủ động giới thiệu về đơn vị công tác và có khả năng xin việc cho anh P.

Sau đó, anh P. dẫn Nguyên về nhà nói chuyện với mẹ mình là bà Mai Thị T. (SN 1959, ở thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa). Vì tin tưởng Nguyên là học trò cũ của chồng mình, nên giữa tháng 2/2014, bà T. đưa cho Nguyên 300 triệu đồng kèm một bộ hồ sơ xin việc. Nguyên nói với bà T., đến khoảng tháng 5/2014 sẽ có quyết định đi làm ở Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông.

Tuy nhiên, đến thời hạn trên, không thấy con mình được đi làm như lời Nguyên nói, khi hỏi thì Nguyên trả lời qua loa, đòi lại tiền thì Nguyên không trả nên gia đình bà T. đã làm đơn tố cáo Nguyên lên cơ quan công an…

Quá trình đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần thứ 3 ngày 05/11 mới đây, đứng trước công đường, bị cáo Nguyên tiếp tục kêu oan.

Bị cáo thừa nhận có nhận số tiền 300 triệu đồng của ông Hà Trọng Tân (thầy giáo cũ) và vợ là bà Mai Thị T. Địa điểm nhận tiền là tại nhà hàng hải sản Tĩnh Gia có địa chỉ tại số 107B Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội. Mục đích nhận tiền để góp vốn vào cửa hàng kinh doanh hải sản và lo công việc cho anh P. (con thầy giáo cũ).

“Lý do viết nội dung nhận tiền là “Lo công việc cho em Hà P.” do bị cáo và ông Tân có thỏa thuận trước về việc góp vốn kinh doanh vào cửa hàng của bị cáo. Hơn nữa, mục đích ông Tân muốn bị cáo có trách nhiệm quả lý, giáo dục P. để P. tập trung lo làm ăn, vì P. ở nhà đã có tiếng là một thanh niên chơi bời, hư hỏng. Bị cáo không hề có ý định chiếm đoạt tài sản của vợ chồng ông Tân”, trích lời khai của bị cáo.

Bị cáo Nguyên nói rõ thêm, trước thời điểm nhận 300 triệu đồng của vợ chồng ông Tân, anh P. đã từng làm việc tại nhà hàng của bị cáo. Thấy con trai mình tập trung làm việc, vợ chồng ông Tân rất mừng nên chủ động gọi điện cho bị cáo đề nghị góp vốn (300 triệu đồng) vào nhà hàng của Nguyên, mục đích để con trai họ có trách nhiệm hơn trong công việc.

Phản bác cáo buộc của cơ quan công tố khi cho rằng bị cáo có hành vi gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tiền của ông Tân, bị cáo Nguyên cho rằng giữa bị cáo và thầy giáo cũ có mối quan hệ rất thân thiết, không chỉ là tình thầy trò mà còn có quan hệ làm ăn chung với nhau. Ông Tân biết rõ bị cáo đang công tác ở đâu.

Nguyên nói: “Giả sử có việc bị cáo nhận tiền để xin việc cho con ông Tân thì bị cáo cho rằng trong vụ án này không biết ai lừa ai?”

Bởi, theo bị cáo khai, hồ sơ mà ông Tân, bà T. đưa cho bị cáo là hồ sơ giả. Hai người đã làm giả bằng tốt nghiệp và bảng điểm trường Đại học Kinh tế quốc dân; Sơ yếu lý lịch của P. không đúng… nên bị cáo có muốn xin việc cũng không thể xin cho P. được. Có hay chăng việc vợ chồng ông Tân làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức trong trường hợp này, bị cáo Nguyên đề cập HĐXX xem xét và cho rằng mình bị oan sai, đề nghị tòa tuyên bị cáo không phạm tội.

“Nóng” phần tranh luận

Tại phiên tòa, đại diện VKSND thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa giữ nguyên quan điểm truy tố, đề nghị xử phạt bị cáo Lê Thảo Nguyên từ 09 – 10 năm tù.

Phản bác lại quan điểm truy tố của VKS, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Lời khai của bị hại, những người làm chứng còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ, thiếu logic, không đáng tin cậy. Tài liệu có trong hồ sơ chưa đủ chứng minh bị cáo gian dối khi giới thiệu việc làm, giấy nhận tiền ghi là “lo việc” chứ không phải là “xin việc”, bị hại là người hiểu biết pháp luật. Vì vậy chưa đủ căn cứ để xác định Lê Thảo Nguyên có thủ đoạn gian dối làm cho bị hại tin tưởng để chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Cường cho rằng đây là quan hệ dân sự. Từ đó, Luật sư đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trả tự do tại phiên tòa cho bị cáo.

Thống nhất với quan điểm của Luật sư Cường, tiếp đến, Luật sư Trần Thị Thanh Lam cho rằng bị cáo không có ý thức chiếm đoạt tài sản vì bị cáo đã nhiều lần đến gặp bị hại, yêu vầu bị hại đưa giấy nhận tiền gốc ra sẽ trả tiền. Hơn nữa, giấy nhận tiền không ghi thời hạn lo việc, do đó giấy nhận tiền vẫn còn giá trị. Luật sư Lam cũng đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo Nguyên không phạm tội.

Cùng bào chữa cho bị cáo Nguyên, ngoài những quan điểm luật sư đồng nghiệp đã nêu, Luật sư Trần Đình Triển cho rằng: Hiện tại trong hồ sơ vụ án không có đơn tố cáo của bà Mai Thị T. do Công an tỉnh Thanh Hóa chuyển về Công an huyện Tĩnh Gia.

“Cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng về việc niêm phong và bảo quản vật chứng là 02 chiếc điện thoại di động đã thu giữ của bị cáo, hồ sơ vay vốn ngân hàng không hợp pháp. Hồ sơ xin việc là giả nên bị cáo không thể xin được việc cho anh H.P”, lập luận của Luật sư Triển.

Từ đó, Luật sư đề nghị nhập vụ án Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức vào trong cùng vụ án này để giải quyết triệt để, khách quan, đúng pháp luật. Vì vậy đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội, trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa, khôi phục lại danh dự cho bị cáo…

Trong khi đó, quan điểm của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại đồng tình với quan điểm truy tố của VKS, đề nghị xử lý nghiêm bị cáo.

Tuy nhiên, sau 3 ngày xét xử, nghị án 1 ngày HĐXX của TAND thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đã tuyên bị cáo Lê Thảo Nguyên 9 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngay sau phán quyết của tòa cấp sơ thẩm, bị cáo đã nhanh chóng có đơn kháng cáo kêu oan và thể hiện quyết tâm sẽ theo đến cùng vụ án đề đòi lại sự trong sạch cho mình.

Theo quy định hiện nay: tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 thì:

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015 có nhiều thay đổi so với bộ luật hình sự cũ về hình phạt cũng như những tình tiết định khung về số lượng tiền lừa đảo hoặc chiếm đoạt

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai