Phân biệt tội cướp, trộm cắp, công nhiên chiếm đoạt tài sản và tình huống áp dụng

670

I. PHÂN BIỆT TỘI CƯỚP TÀI SẢN, TRỘM CẮP TÀI SẢN VÀ CÔNG NHIÊN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

GIỐNG NHAU:

– Mặt khách thể: Xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác;

– Mặt khách quan: Đều có hành vi cố ý chiếm đoạt tài sản trái pháp luật thuộc sở hữu của người khác thành tài sản của mình.

– Mặt chủ thể: Đều là người có năng lực trách nhiệm hình sự (từ 14 tuổi trở lên). Tuy nhiên đối với cưỡng đoạt tài sản thì “người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi” chỉ  phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, nếu tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng thì phải từ đủ 16 tuổi mới chịu trách nhiệm hình sự.

– Lỗi: cố ý trực tiếp với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản.

 KHÁC NHAU :

TIÊU CHÍ TỘI CƯỚP TÀI SẢN (Điều 168) TỘI CÔNG NHIÊN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN (Điều 172) TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN (Điều 173)
Loại cấu thành tội phạm Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. èCấu thành hình thức Loại cấu thành này được hiểu là mặt khách quan chỉ quy định dấu hiệu hành vi phạm tội là dấu hiệu bắt buộc. Hay nói cách khác, thời điểm hoàn thành tội phạm là thời điểm thực hiện hành vi không xét đến việc đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa) Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; …. è Cấu thành vật chất Trong mặt khách quan của tội danh quy định của về: hành vi, hậu quả, quan hệ nhân quả là dấu hiệu bắt buộc. Điều này có nghĩa là hành vi phải gây ra hậu quả (dựa trên giá trị tài sản bị chiếm đoạt) được quy định trong luật thì mới được xem là cấu thành tội phạm. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; …. è Cấu thành vật chất Trong mặt khách quan của tội danh quy định của về: hành vi, hậu quả, quan hệ nhân quả là dấu hiệu bắt buộc. Điều này có nghĩa là hành vi phải gây ra hậu quả (dựa trên giá trị tài sản bị chiếm đoạt) được quy định trong luật thì mới được xem là cấu thành tội phạm.
Khách thể bị xâm phạm – Quyền sở hữu và; – Quyền nhân thân (Xâm phạm đến quyền nhân thân do có thực hiện hành vi tác động đến người đang quản lý tài sản.) Chỉ xâm phạm quyền sở hữu tài sản. Chỉ xâm phạm quyền sở hữu tài sản.
Hành vi khách quan Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong đó, – Dùng vũ lực được hiểu là dùng sức mạnh vật chất tấn công người chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc bất kỳ người nào khác ngăn cản việc chiếm đoạt của người phạm tội nhằm đè bẹp sự phản kháng, làm tê liệt ý chí của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Hành vi dùng vũ lực thường là đấm, đá, trói… hoặc kèm theo sử dụng các phương tiện, công cụ như dao, súng…; =>Đe dọa dùng vũ lực trong tội cướp tài sản còn tính đến yếu tố “ngay tức khắc”, tức là, nó có tính chất mãnh liệt hơn làm cho người bị đe dọa thấy rằng khi bị đe dọa nếu họ không làm theo yêu cầu của người phạm tội thì người phạm tội sẽ dùng vũ lực ngay với mình và họ sẽ không hoặc khó có điều kiện tránh khỏi, việc này. – Hành vi khác trong tội cướp tài sản là hành vi người phạm tội không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, xong bằng mọi cách thức, thủ đoạn, người phạm tội đã đưa nạn nhân vào một tình trạng không còn khả năng quản lý được tài sản như: dùng các loại thuốc ngủ đầu độc nạn nhân, dùng dây chằng qua đường làm nạn nhân vấp ngã để cướp tài sản…. Những thủ đoạn này đều làm người bị tấn công không thể chống cự được để chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng hoàn cảnh của người Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi dấu hiệu: chiếm đoạt tài sản mang tính công khai và ngang nhiên. – Tính chất ngang nhiên của hành vi chiếm đoạt tài sản của tội phạm thể hiện ở các điều kiện sau: Từ thời điểm hình thành ý định phạm tội cho đến khi lấy được tài sản, can phạm không có bất kỳ một thủ đoạn nào, không có ý thức đối phó, đương đầu với người quản lý tài sản, không có ý thức chạy trốn hay nhanh chóng tẩu thoát. Tội phạm xảy ra trong hoàn cảnh người quản lý tài sản biết người phạm tội đang chiếm đoạt tài sản của mình nhưng không có điều kiện và khả năng ngăn cản việc thực hiện hành vi chiếm đoạt. – Hành vi công khai lợi dụng người đang quản lý tài sản không có điều kiện ngăn cản, công khai chiêm đoạt tài sản. Trước hết là đối với chủ sở hữu, với người quản lý tài sản và công nhiên cả đối với người xung quanh. -Và, hành vi chiếm đoạt không chỉ còn là mục đích hành động mà phải thực hiện trên thực tế. Hành vi phạm tội được đặc trưng bởi: Hành vi chiếm đoạt tài sản mang tính chất lén lút. – Hành vi lén lút được hiểu là hành vi che giấu việc thực hiện hành vi phạm tội đối với người quản lý tài sản. Ví dụ: Lợi dụng hoặc tạo ra sự sơ hở của người quản lý tài sản, dùng chìa khoá mở cửa, cạy cửa… Trong tội trộm cắp tài sản, hành vi lén lút không nhất thiết chỉ có hành vi rình mò, vụng trộm, rón rén, chui lủi… để tiếp cận tài sản và thực hiện hành vi chiếm đoạt nhưng không ai thấy, không ai phát hiện… mà hành vi trộm cắp có thể diễn ra một cách công khai trước sự chứng kiến của nhiều người, nhưng những người chứng kiến đó không hề hay biết người phạm tội đang thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Cũng có thể người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản công khai hành vi chiếm đoạt trước người khác nhưng lại lén lút, che giấu hành vi chiếm đoạt đối với chủ sở hữu về tài sản (hoặc người quản lý về tài sản). Ví dụ: hành vi móc túi, móc ví, móc điện thoại di động trên tàu xe hoặc giữa đám đông… – Đặc điểm của hành vi chiếm đoạt của tội trộm cắp tài sản là tại thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt ý thức chủ quan của người phạm tội cho rằng người quản lý tài sản không biết được hành vi chiếm đoạt tài sản của mình. – Và, hành vi chiếm đoạt không chỉ còn là mục đích hành động mà phải thực hiện trên thực tế.
Nhận thức chủ quan của nạn nhân Nạn nhân không có sự lựa chọn, bị tê liệt ý chí và tê liệt sự phản kháng, họ buộc phải thoả mãn yêu cầu của người phạm tội nhằm tránh bị người phạm tội tấn công “tức khắc”. Khi có hành vi chiếm đoạt tài sản chủ tài sản/người đang quản lý vẫn nhận biết được có hành vi chiếm đoạt nhưng do họ không có điều kiện bảo vệ tài sản của mình nên người phạm tội mới ngang nhiên chiếm đoạt tài sản mà không cần dùng bất kì thủ đoạn nào để đối phó với chủ tài sản. Hành vi trộm cắp không cho phép chủ tài sản/người đang quản lý biết khi xảy ra hành vi phạm tội, trước khi xảy ra hành vi phạm tội thì tài sản vẫn đang trong sự kiểm soát của chủ tài sản nhưng khi xảy ra hành vi phạm tội chủ tài sản không hề biết tài sản của mình bị chiếm đoạt, chỉ sau khi mất tài sản chủ tài sản mới biết
Hình phạt chính Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm và khung hình phạt cao nhất là tù chung thân. Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và khung hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm. Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và khung hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm.
Hình phạt bổ sung Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng

II. TÌNH HUỐNG ÁP DỤNG

Tình huống 1: Theo nội dung hình ảnh trích xuất từ camera an ninh tại bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM) ghi lại ngày 19/2, Phạm Thị Trúc Tiên (54 tuổi) tiếp cận làm quen với một hành khách rồi mời ăn uống. Sau khi ăn xong, hành khách bất ngờ lăn ra ngủ mê, còn Tiên thì lập tức “cuỗm” tài sản tẩu thoát.

Đến chiều 22/2, Tiên tiếp tục xuất hiện tại khu vực quầy vé và làm quen với một hành khách khác bằng chiêu thức cũ là mời cơm. Sau khi ăn cơm xong, hành khách này lăn ra ngủ.Trong lúc Tiên đang chuẩn bị chiếm đoạt tài sản hành khách này thì bị lực lượng bảo vệ tại bến xe bắt quả tang và bàn giao cơ quan chức năng. Qua khám xét người đối tượng Tiên, cơ quan chức năng phát hiện vỉ thuốc ngủ đã sử dụng hết.

Hành vi trên của đối tượng Tiên có thể bị xử lý về tội danh gì ?

Lời giải:

 Theo những gì phân tích như trên, ta thấy Trong vụ việc này, đối tượng đã dùng thuốc ngủ bỏ vào đồ ăn và đưa cho nạn nhân ăn nhằm để nạn nhân vào trạng thái mê man, gây mê không chống cự được với mục đích chiếm đoạt tài sản. Đây được xem là “hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được” trong cấu thành của tội cướp tài sản. ý thức thức chiếm đoạt trong vụ việc này là quá rõ ràng, quyết liệt và việc chiếm đoạt chỉ thực hiện được khi nạn nhân bị thuốc làm tê liệt ý chí.

Theo lý luận đó, hành vi của đối tượng Trúc Tiên có thể bị truy cứu về tội Cướp tài sản theo Điều 168 BLHS 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017.

Tình huống 2: Trên đường đi uống rượu về, H và Q phát hiện chị B cùng với hai người bạn đang say rượu nằm mê mệt bên lề đường. Thấy chị B đeo nhiều nữ trang bằng vàng, H và Q lấy đi toàn bộ tài sản trị giá 10 triệu đồng. Gần sáng cơn say hết, chị B tỉnh giấc mới biết mình bị mất tài sản và đi báo công an. Về vụ án này có các ý kiến sau đây về tội danh của H và Q:

1. H và Q phạm tội cướp tài sản.

2. H và Q phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

3. H và Q phạm tội trộm cắp tài sản.

Xác định ý kiến nào là đúng, ý kiến nào là sai và giải thích.

Lời giải:

1. H và Q phạm tội cướp tài sản.

Đây là ý kiến sai. H và Q không phạm tội cướp tài sản. Vì:

Khoản 1 Điều 168 BLHS quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”.

Mặt khách quan: hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cướp là một trong các hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác nhằm mục đích tư lợi cho mình  hoặc là đem tặng, cho, biếu, cấp phát…cho những người mà mình quan tâm. Cướp của cải, tài sản đã xuất hiện ngay khi có chế độ tư hữu và xã hội phân chia thành những người giàu và người nghèo. Phương thức cướp tài sản thường là sử dụng sức mạnh vật chất (có hoặc không có công cụ, phương tiện phạm tội) để đè bẹp sự chống cự hoặc làm tê liệt sự phản kháng, chống đối lại người có tài sản. Đe dọa dùng vũ lực là hành vi của người cướp tài sản đã sử dụng lời nói hoặc cử chỉ hay hành động đe dọa xâm phạm ngay đến tính mạng, sức khỏe và làm tê liệt ngay ý chí chống cự  – phản kháng của người có tài sản. Hành vi đe dọa dùng vũ lực ở đây có đặc điểm là ngay tức khắc. Đặc điểm này dùng chỉ sự khẩn trương, nhanh chóng có thể xảy ra chớp nhoáng ngay về mặt thời gian, đồng thời đặc điểm này còn dùng để chỉ sự mãnh liệt của sự đe dọa ở mức độ có thể xảy ra ngay lập tức làm cho người bị đe dọa tê liệt ý chí chống cự, phản kháng của mình. Các hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được là  những hành vi mà khi sử dụng đến nó thì nó có khả năng cản trở được sự phản kháng hay chống đối của người có tài sản, chẳng hạn: hành vi đầu độc bằng thuốc mê hoặc là giam giữ người đế chiếm đoạt tài sản…

Mặt chủ quan: lỗi cố ý trực tiếp và mục đích chiếm đoạt tài sản.

Về mặt lỗi: Đây là lỗi cố ý trực tiếp. Khi thực hiện hành vi phạm tội cả H, Q đều biết mình có hành vi nguy hiểm cho xã hội là xâm phạm quan hệ sở hữu nhưng vẫn làm và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Khi thấy B và bạn của chị trong tình trạng say rượu H, Q đã dễ dàng chiếm đoạt tài sản.

Về mặt mục đích phạm tội: Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội cướp tài sản. Mục đích giữ tài sản vừa chiếm đoạt được cũng được coi là dạng đặc biệt của mục đích chiếm đoạt. Như vậy, những hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hay làm cho người khác bị tấn công không thể chống cự được nhằm mục đích giữ tài sản vừa chiếm đoạt được cũng bị coi là cấu thành tội cướp tài sản.

Chủ thể: chủ thể thường, đủ năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi theo luật định. Ở đây đề bài không nêu H và Q có dấu hiệu hạn chế về năng lực hành vi, mắc bệnh tâm thần…và độ tuổi nên ta mặc nhiên coi H và Q đã đủ tuổi và không ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Xét về mặt chủ quan thì đúng là H và Q cố ý chiếm đoạt tài sản của chị B, tuy nhiên xét về mặt khách quan thì hành vi của H và Q không phù hợp với các đặc điểm trên. Vì H và Q không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho chị B lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Xét về yếu tố khách quan cơ bản nhất của tội cướp tài sản là “Có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được” và “Nhằm chiếm đoạt tài sản”. Hai yếu tố này có mối quan hệ biện chứng với nhau, không tách rời nhau, thiếu một trong hai yếu tố này thì không cấu thành tội cướp tài sản. Nếu có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhưng không nhằm chiếm đoạt tài sản thì không phải là yếu tố cấu thành tội cướp tài sản và ngược lại.

2. H và Q phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Ý kiến này sai. H và Q không phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Vì:

Công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi lợi dụng hoàn cảnh chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản, công khai chiếm đoạt tài sản của họ. Còn có thể hiểu công nhiên chiếm đoạt tài sản là công khai chiếm đoạt tài sản mà không cần dùng thủ đoạn tích cực để chống lại chủ tài sản. Tội danh này được quy định tại Điều 172 BLHS.

Mặt khách quan: lợi dụng hoàn cảnh chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản, công khai chiếm đoạt tài sản của họ.

Do đặc điểm riêng của tội này nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt” nhưng bằng hình thức công khai với thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan như thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh…Tính chất công khai, trắng trợn tuy không phải là hành vi khách quan nhưng lại là một đặc điểm cơ bản đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Công nhiên chiếm đoạt tài sản trước hết là công nhiên với chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, sau đó là công nhiên với mọi người xung quanh. Hành vi khách quan được coi là hành vi phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản có tính chất công khai trước mặt chủ tài sản hoặc người quản lý tài sản, trong hoàn cảnh người chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản. Về hành vi phạm tội, thì hành vi chiếm đoạt tài sản là hành vi có tính chất chiếm đoạt. Đây là dấu hiệu bắt buộc đòi hỏi người phạm tội phải có. Như vậy hành vi chiếm đoạt không còn là mục đích hành động mà phải được thực hiện trong thực tế.

Ở trường hợp này cả H và Q đã có hành vi chiếm đoạt là lấy tài sản của chị B, H và Q không lén lút, che giấu hành vi chiếm đoạt của mình nhưng do hoàn cảnh khách quan thuận lợi là trời tối vắng vẻ, chị B và những người bạn đều trong tình trạng say không biết gì nên không có điều kiện ngăn cản. Hành vi chiếm đoạt của H và Q đã không hề công khai với chủ quản lí tài sản là chị B, cũng như đối với những người xung quanh là bạn chị. Trong khi đó, hành vi khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản có tính chất công khai trước mặt chủ tài sản hoặc người quản lý tài sản, trong hoàn cảnh người chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản. Điều này đã góp phần khẳng định rõ ràng H và Q không phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

 Tóm lại, đối với chủ sở hữu tài sản là chị B thì H và Q có hành vi lén lút chiếm đoạt một cách bất hợp pháp tài sản là nữ trang bằng vàng đang trong sự quản lý của chị B.

Mặt chủ quan: lỗi cố ý trực tiếp và mục đích chiếm đoạt tài sản.

Về mặt lỗi: tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp.

Về mặt mục đích phạm tội: Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Chủ thể: chủ thể thường, đủ năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi theo luật định.

3. H và Q phạm tội trộm cắp tài sản.

Ý kiến này hoàn toàn đúng. H và Q phạm tội trộm cắp tài sản. Vì:

Tội trộm cắp tài sản được biểu hiện ở hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang được người khác quản lí. Tội danh này được quy định tại Điều 173 BLHS.

Khách thể của tội phạm: Khách thể của tội trộm cắp tài sản cũng tương tự như những tội có tính chất chiếm đoạt khác, nhưng tội trộm cắp tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu. Đây cũng là một điểm khác với các tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, đặc điểm này được thể hiện trong cấu thành tội trộm cắp tài sản. Đối tượng tác động ở đây là tài sản – vàng. Trong trường hợp đề bài nêu thì H và Q cũng chỉ có hành vi xâm phạm đến quan hệ sở hữu và không hề có hành vi xâm phạm nhân thân của chị B hay những người bạn của chị B nên H và Q không thể phạm tội cướp tài sản. Vì khi lấy tài sản thì chủ sở hữu tài sản là chị B và các bạn của chị đang trong tình trạng say, không có điều kiện để ngăn cản hành vi phạm tội của H và Q, hơn nữa khi đó trời lại tối và vắng vẻ. Do đó cả H và Q không có ý định hay hành vi nào nhằm đối phó lại chị B và những người xung quanh.

Mặt khách quan:

Hành vi trộm cắp tài sản chỉ bị coi là tội phạm khi thỏa mãn điều kiện được quy định trong Điều 173 BLHS:

“ 1.Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm….”

 Tội phạm đã hoàn thành kể từ khi người phạm tội lén lút chiếm đoạt, dịch chuyển tài sản của người khác khỏi vị trí ban đầu là thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt được xác định ngay từ thời điểm dịch chuyển đó.

Hành vi chiếm đoạt của tội trộm cắp tài sản có hai dấu hiệu phân biệt với hành vi chiếm đoạt của những tội khác đó là dấu hiệu lén lút và dấu hiệu tài sản đang có chủ.

Hành vi chiếm đoạt tài sản của tội trộm cắp tài sản có tính chất lén lút, có nghĩa: hành vi chiếm đoạt có đặc điểm khách quan là lén lút và ý thức chủ quan của người thực hiện cũng là lén lút.

Hành vi chiếm đoạt được coi là lén lút nếu được thực hiện bằng hình thức mà hình thức đó có khả năng không cho phép chủ tài sản biết có hành vi chiếm đoạt khi hành vi này xảy ra.

Ý thức chủ quan của người trộm cắp tài sản là lén lút nếu khi thực hiện hành vi chiếm đoạt, người đó có ý thức che giấu hành vi đang thực hiện của mình. Việc che giấu này chỉ đòi hỏi đối với người có trách nhiệm đối với tài sản. Nhưng trong thực tế, ý thức chủ quan của người trộm cắp tài sản cũng có thể là lén lút, che giấu đối với người khác. Với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản. Tài sản là đối tượng của hành vi chiếm đoạt phải đang nằm trong sự quản lý của chủ sở hữu về tài sản hoặc người có trách nhiệm quản lý. Tài sản vô chủ hoặc đang không có người quản lý không phải là đối tượng của tội trộm cắp tài sản.

Trong tội trộm cắp tài sản, hành vi lén lút không nhất thiết chỉ có hành vi rình mò, vụng trộm, rón rén, chui lủi… để tiếp cận tài sản và thực hiện hành vi chiếm đoạt nhưng không ai thấy, không ai phát hiện… mà hành vi trộm cắp có thể diễn ra một cách công khai trước sự chứng kiến của nhiều người, nhưng những người chứng kiến đó không hề hay biết người phạm tội đang thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác.

Cũng có thể người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản công khai hành vi chiếm đoạt trước người khác nhưng lại lén lút, che giấu hành vi chiếm đoạt đối với chủ sở hữu về tài sản (hoặc người quản lý về tài sản). Ví dụ: hành vi móc túi, móc ví, móc điện thoại di động trên tàu xe hoặc giữa đám đông…

Như vậy, xét trong tình huống này: sự lén lút trong việc phạm tội trong trường hợp này thể hiện ở việc lợi dụng chủ sở hữu đang trong tình trạng say rượu không biết gì để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của chủ tài sản là chị B. Vì say nên chị B và hai người bạn không hề biết bị H và Q lấy mất tài sản, chỉ sau khi tỉnh rượu thì họ mới biết là mình bị mất tài sản và đi báo công an. Ở đây H và Q đã lén lút lấy đi số nữ trang của chị B trị giá 10 triệu đồng, tuy công khai với tài sản nhưng cả H và Q đều có hành vi lén lút với chủ tài sản là chị B và những người xung quanh nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình.

 Như vậy, mặc dù hành vi của H và Q diễn ra một cách công khai nhưng tính chiếm đoạt của hành vi thì được che đậy, giấu diếm, vì vậy không ai biết và không ai phát hiện ra. Điều này khác với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, khi người phạm tội có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác thì người quản lý tài sản (hoặc chủ sở hữu về tài sản) đều nhận thức được ngay tại thời điểm đó nhưng không thể ngăn chặn được.

Mặt chủ quan: lỗi cố ý trực tiếp và mục đích của người phạm tội là chiếm đoạt được tài sản.

Về mặt lỗi: Lỗi cố ý trực tiếp. Tuy không có chủ định, bàn bạc từ trước và việc phạm tội cũng hoàn toàn là do điều kiện khách quan mang lại nhưng lỗi mà H và Q thực hiện là lỗi cố ý chiếm đoạt tài sản đang có chủ sở hữu.

Về mặt mục đích phạm tội: Mục đích chiếm đoạt tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Khi trên đường về phát hiện ra chị B và những người bạn của chị do say rượu không biết gì đang nằm mê mệt bên lề đường và trên người chị B có đeo nhiều nữ trang bằng vàng có giá trị nên H và Q đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản. Sở dĩ H và Q dễ dàng chiếm đoạt tài sản của chị B là do chị say rượu không biết gì, mà việc chị B say rượu là do chị tự uống, không phải do H và Q ép buộc hay có mưu đồ trước mà chuốc rượu cho chị để chúng chiếm đoạt tài sản.

Như vậy, hành vi lén lút chiếm đoạt toàn bộ nữ trang bằng vàng của H và Q đã phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS.

Chủ thể: chủ thể thường tức là chủ thể đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự  và đạt độ tuổi luật định.

Nội dung bài viết được chia sẻ bởi bạn Hoàng Minh Hòa – Khoa Luật Đại học Mở Hà Nội

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai