Quy trình, thủ tục thu hồi tiền phạm pháp ở nước ngoài

34

“Quy trình xác minh việc gửi tiền này như thế nào? Cơ quan chức năng VN thu hồi tiền của Phan Sào Nam ở Singapore thì theo quy trình, thủ tục ra sao? Trường hợp không thu hồi được số tiền thì xử lý ra sao?”

Luật sư Nguyễn Minh Long – Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) có quan điểm như sau:

Qua thông tin báo chí phản ánh về việc xác minh, kê biên tài sản của bị cáo Phan Sào Nam để thi hành án, được biết hiện nay cơ quan thi hành án đang gặp khó trong việc xác minh số tiền 3,5 triệu USD của Phan Sào Nam gửi tại ngân hàng Singapore. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án đánh bạc nghìn tỷ đồng qua mạng đều tuyên thu hồi khoản tiền 3,5 triệu USD đứng tên Phan Sào Nam gửi tại ngân hàng Bank Of Singapore. Qua quá trình xác minh, cơ quan chức năng của Việt Nam xác định số tiền này không còn trong ngân hàng của Singapore từ trước khi Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ tuyên án.

Vì vậy, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án khoản tiền 3,5 triệu USD và đang đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm đối với nội dung liên quan đã tuyên trong bản án phúc thẩm.

  1. Quy trình xác minh số tiền phạm pháp 3,5 triệu USD:

Trong quá trình điều tra vụ án này, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng các biện pháp để niêm phong, kê biên, phong tỏa tài sản là những tài sản do người phạm tôi mà có hoặc là vật chứng của vụ án hình sự theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự. Đối với tài sản ở nước ngoài có liên quan đến tội phạm, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông qua cơ quan tư pháp, cơ quan ngoại giao, lãnh sự để thực hiện các biện pháp ủy thác tư pháp, căn cứ vào hiệp định tương trợ tư pháp hoặc các thỏa thuận song phương giữa các quốc gia về hoạt động tư pháp để ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản.

Trước hết, bằng qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan điều tra xác minh số tiền này được hình thành một cách bất hợp pháp, là nguồn tiền do hành vi phạm tội mà có.

Sau khi đã xác định được nguồn tiền phạm pháp, cơ quan điều tra tiếp tục xác minh nguồn tiền phạm pháp này được sử dụng như thế nào, chuyển đi đâu, để có biện pháp thu hồi. Trong trường hợp, có căn cứ xác định tiền đã được chuyển ra nước ngoài bằng các hình thức như đầu tư dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản…, cụ thể là tiền đã được chuyển sang một ngân hàng ở Singapore, Cơ quan điều tra căn cứ vào Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và Hiệp định tương trợ tư pháp giữa 8 nước ASEAN trong đó có Việt Nam và Singapore tham gia, , Cơ quan điều tra lập hồ sơ ủy thác gửi nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp như xác minh cụ thể số tiền, chủ sở hữu, thời hạn gửi…, tới cơ quan có thẩm quyền của Singapore thực hiện hiệp định tương trợ tư pháp. Việt Nam hoàn toàn không có quyền trực tiếp thực hiện việc xác minh, tịch thu tài sản trên đất nước Singapore.

Trên cơ sở nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp, quốc gia được yêu cầu (Singapore) trên cơ sở qui định pháp luật của nước mình và Hiệp định sẽ phải thực hiện theo nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp.

  1. Quy trình, thủ tục thu hồi tiền phạm pháp của Phan Sào Nam ở Singapore như thế nào?

Nếu có căn cứ xác minh chắc chắn bị cáo đã chuyển tiền ra nước ngoài (cụ thể là ngân hàng ở Singapore), chúng ta có đầy đủ căn cứ, khả năng để thu hồi khoản tiền này. Trường hợp này, tài sản có nguồn gốc là tài sản do phạm tội mà có. Do đó, việc xác minh, thu hồi được thực hiện theo hình thức thu hồi tài sản dựa trên kết án hình sự. Căn cứ Điều 31, Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng; Điều 6, Điều 7, Điều 18, Điều 22 của Hiệp định tương trợ tư pháp ASEAN; Chương 3 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007; căn cứ Điều 507 BLTTHS 2015. Theo đó, qui trình thu hồi được thực hiện như sau:

Cơ quan điều tra lập hồ sơ ủy thác gửi đến cơ quan có thẩm quyền thực hiện tương trợ tư pháp của Singapore trong đó có nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp. Trong đó, Việt Nam có quyền yêu cầu quốc gia nơi có tài sản do phạm tội mà có trực tiếp quyết định thu hồi tài sản hoặc thực thi quyết định thu hồi tài sản của Nhà nước Việt Nam.  Quốc gia có tài sản do phạm tội mà có cũng có thể tự mình tiến hành thủ tục để xác minh nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản và theo thủ tục pháp lý của quốc gia này, trả lại tài sản do phạm tội mà có cho Nhà nước Việt Nam. Việc trả lại tài sản được thực hiện theo qui định tại khoản 5 Điều 22 Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa 8 nước ASEAN.

  1. Trường hợp không thu hồi được số tiền thì xử lý ra sao?

Đây là vấn đề đang được giải quyết. Thực tế cơ quan thi hành án đang gặp khó khăn trong việc tịch thu số tiền 3,5 triệu USD này vì tại thời điểm thi hành án, tài sản này không còn nữa (số tiền này không còn trong ngân hàng của Singapore từ trước khi Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ tuyên án), do đó, tài sản không tồn tại nữa sẽ không thể thu hồi, mặc dù trong Bản án đã tuyên.

Trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ thông tin về số tiền này thể hiện trong hồ sơ vụ án như thế nào, các hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng đối với số tiền này như thế nào, đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết để yêu cầu ngân hàng Singapore phong tỏa số tiền này chưa? Ai là người đã chuyển số tiền này ra khỏi tài khoản đó và số tiền này hiện đang ở đâu? Sau khi khởi tố vụ án, bị can bị tạm giam, vậy không có chữ ký của bị can làm thế nào có thể rút được số tiền đó ra khỏi tài khoản ngân hàng nước ngoài, liệu có hành vi cấu kết, móc nối hoặc làm giả các chứng từ để giúp số tiền đó ra khỏi ngân hàng hay không?

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có người đã rút số tiền này ra để tẩu tán, trốn tránh nghĩa vụ theo bản án, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Người có vụ nghĩa vụ theo bản án cũng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành bản án theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015.

Hành vi tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, xâm phạm đến hoạt động tư pháp, gây bức xúc trong dư luận. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ sự việc để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó không loại trừ trường hợp có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Công ty Luật Dragon trân trọng cảm ơn!

Tên tổ chức      : CÔNG TY LUẬT TNHH DRAGON

Đại diện           : LUẬT SƯ NGUYỄN MINH LONGChức vụ: Giám đốc

Điện thoại        : 1900.599.979                     Hotline: 0983019109.

Trụ sở chính    :Phòng 6, Tầng 14, Tòa nhà VIMECO, Đường Phạm Hùng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Website :  vanphongluatsu.com.vn   Email: dragonlawfirm@gmail.com.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai