Quyền gặp, làm việc của luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra

120

Theo Khoản 4 Ðiều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Ðiều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này”.

Khoản 1 Ðiều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Người bào chữa có quyền: (a) Gặp, hỏi người bị buộc tội; (b) Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can”. Khoản 3 Ðiều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 cũng quy định: “Người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh; phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa”.

Ðiều 10 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT ngày 23-1-2018 của Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – TAND tối cao – Viện KSND tối cao quy định: “Khi nhận được văn bản thông báo người bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam của cơ quan đang thụ lý vụ án thì cơ sở giam giữ tổ chức cho người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật; Trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp thì Thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát…”.

Kể từ thời điểm Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực vào đầu năm 2018 đến nay, đã có bước chuyển biến căn bản trong nhận thức và thực tế từ phía các cơ quan và những người tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm thực thi các quy định nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị can, bị cáo, đương sự trong nhiều vụ án hình sự.

Ðó cũng là cơ sở cho việc Hội đồng xét xử quyết định, ban hành bản án xuất phát từ kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, quyền gặp mặt, trao đổi, làm việc của luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam còn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bị cản trở từ phía một số cơ quan điều tra và điều tra viên, chủ yếu do nhận thức không đúng, không đầy đủ về quyền gặp, làm việc của luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra tại cơ sở giam giữ.

Hiện nay, rất nhiều cơ quan điều tra, điều tra viên, cán bộ điều tra, cán bộ quản lý cơ sở giam giữ vẫn nhận thức và yêu cầu thực hiện trên thực tế trong giai đoạn điều tra là việc gặp, tiếp xúc, làm việc, tham dự các buổi hỏi cung của luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam phải được sự chấp thuận của cơ quan điều tra hoặc theo kế hoạch hỏi cung của điều tra viên.

Ðiều này đã được các luật sư phản ánh rất nhiều trong các cuộc tọa đàm, hội thảo. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổng hợp, thống kê và báo cáo lãnh đạo Bộ Công an về hàng trăm đơn thư khiếu nại trong nhiều năm qua của luật sư do phải đăng ký, chờ đợi hằng tháng vẫn không được gặp, làm việc với bị can trong giai đoạn điều tra. Ðó là chưa kể, trong các buổi làm việc, hỏi cung, thường các luật sư không được đặt câu hỏi, thậm chí nếu có chỉ được hỏi thăm về sức khỏe, thông tin về tình trạng gia đình mà thôi…

Quyền gặp mặt, tiếp xúc, làm việc riêng của luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam bắt nguồn và liên quan trực tiếp từ quyền hiến định cho phép người bị buộc tội có quyền nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa, và đây là cơ sở triển khai hoạt động của luật sư trong tố tụng hình sự. Tinh thần mới của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, Thông tư liên tịch số 01 nêu trên khẳng định quyền đương nhiên và chủ động của luật sư trong việc gặp người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, trừ trường hợp cần giữ bí mật điều tra trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia theo quy định tại Ðiều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Tất cả các quy định nêu trên cũng không có bất cứ từ ngữ nào quy định về việc luật sư gặp khách hàng trong giai đoạn điều tra bắt buộc phải có mặt điều tra viên hoặc phải được sự chấp thuận trước của cơ quan điều tra.

Như vậy, về mặt pháp lý, như nội dung Ðiểm (a), (b) Khoản 1 Ðiều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định có hai trình tự cuộc gặp của người bào chữa: Thứ nhất, cuộc gặp, làm việc riêng, chủ động của người bào chữa với người bị tạm giữ, tạm giam. Theo đó cơ sở giam giữ phải giải quyết yêu cầu gặp mặt của người bào chữa, trong trường hợp cần thiết thì báo với cơ quan thụ lý vụ án để cử người tham gia giám sát, chứ không thể lấy lý do cơ quan điều tra không đồng ý, hoặc điều tra viên bận không tham dự, để từ chối việc luật sư yêu cầu gặp mặt người bị tạm giữ, tạm giam. Thứ hai, người bào chữa tham dự cuộc làm việc, hỏi cung theo kế hoạch của cơ quan điều tra, điều tra viên; chỉ được đặt câu hỏi khi được điều tra viên đồng ý, nếu được phép đặt câu hỏi và trả lời thì nội dung phải ghi rõ trong biên bản, luật sư đọc lại, xác nhận và ký tên trên biên bản.

Do đó, cùng với các kiến nghị, góp ý bằng văn bản, Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong cuộc gặp đại diện lãnh đạo Bộ Công an vào ngày 23-8-2019 đã đề nghị Bộ Công an sớm ban hành Thông tư mới nhằm hướng dẫn, quán triệt để cơ quan điều tra các cấp, các điều tra viên, cán bộ điều tra, cán bộ có thẩm quyền của cơ sở giam giữ cần nhận thức thống nhất và bảo đảm tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo đảm quyền bào chữa nói chung và quyền gặp riêng của luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, không bị giới hạn thời gian gặp, làm việc và có hướng dẫn rõ trường hợp nào bị hạn chế gặp hoặc phải có sự giám sát.

Giới luật sư hy vọng điều này sẽ tạo ra một bước đột phá mới trong quá trình dân chủ hóa hoạt động tố tụng, thực thi nhiệm vụ bảo vệ công lý, tôn trọng sự thật khách quan và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân trong các vụ án hình sự.

Luật sư bào chữa Công ty luật Dragon

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai