Thủ tục khiếu nại kết luận giải quyết tố cáo

170

Thủ tục khiếu nại kết luận tố cáo là vấn đề đang được rất nhiều người dân quan tâm. Bởi lẽ, khi một quyết định hành chính, hành vi hành chính bị sai phạm thì việc tố cáo là điều cần thiết. Do đó, nếu “kết luận tố cáo” có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chúng ta có thể thực hiện KHIẾU NẠI KẾT LUẬN TỐ CÁO để bảo vệ quyền và lợi ích. Vậy thủ tục khiếu nại kết luận tố cáo thực hiện thế nào, Luật sư tư vấn Luật hành chính sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc qua bài đọc này.

Khiếu nại là gì?

Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 thì khiếu nại là:

  • Việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục theo quy định của Luật Khiếu nại, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức;
  • Khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Hình thức khiếu nại kết luận giải quyết tố cáo

Khiếu nại kết luận giải quyết tố cáo có thể được thực hiện thông qua các hình thức sau:

  • Khiếu nại bằng đơn: đơn khiếu nại phải có các thông tin cơ bản như ngày tháng năm khiếu nại; họ tên người khiếu nại, người bị khiếu nại; lý do khiếu nại; yêu cầu giải quyết khiếu nại và phải được người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ
  • Khiếu nại trực tiếp: Người tiếp nhận khiếu nại có trách nhiệm hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại tại nơi khiếu nại và người khiếu nại phải ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản xác nhận thực hiện hành vi khiếu nại.

Trình tự, thủ tục khiếu nại kết luận giải quyết tố cáo

Thời hiệu khiếu nại

Hành vi khiếu nại phải được thực hiện trong thời hiệu 90 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận hoặc biết được kết luận giải quyết tố cáo của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Trường hợp ngoại lệ làm cho người khiếu nại không thực hiện quyền khiếu nại đúng thời hiệu 90 ngày do sự kiện bất khả kháng như ốm đau, thiên tai, dịch bệnh,… hoặc những trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại không thể thực hiện quyền khiếu nại thì những trường hợp này không được tính vào thời hiệu khiếu nại.

Thẩm quyền giải quyết

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo được thực hiện như sau:

  • Thẩm quyền giải quyết khiếu nại kết luận tố cáo lần đầu sẽ do cơ quan có thẩm quyền đã ban hành quyết định kết luận tố cáo;
  • Đối với khiếu nại kết luận tố cáo lần hai sẽ do thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu giải quyết.

Hồ sơ thực hiện khiếu nại

Hồ sơ để thực hiện quyền khiếu nại kết luận giải quyết tố cáo bao gồm:

  • Đơn khiếu nại (theo mẫu số 1 của Nghị định số 124/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật khiếu nại);
  • Kết luận giải quyết tố cáo của cơ quan có thẩm quyền;
  • Giấy tờ tùy thân (sao y chứng thực) của người khiếu nại: chứng minh nhân dân, căn cứ công dân,..
  • Các tài liệu, giấy tờ khác chứng minh có việc khiếu nại kết luận tố cáo là có căn cứ.

Trình tự khiếu nại

Người khiếu nại thực hiện việc khiếu nại kết luận nội dung tố cáo sẽ thực hiện quyền khiếu nại theo trình tự sau:

  • Trong thời hạn 90 ngày (trừ trường hợp người khiếu nại vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan) kể từ nhận hoặc biết được kết luận tố cáo, nếu không đồng ý nội dung kết luận tố cáo, người khiếu nại được thực hiện quyền khiếu nại.
  • Cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải có văn bản về việc có thụ lý đơn khiếu nại hay không, nếu không thụ lý phải nêu rõ lý do.
  • Trong thời hạn 30 ngày, đối với vùng sâu, vùng xa là 45 ngày, có thể kéo dài thời hạn nhưng không quá 60 ngày, Cơ quan giải quyết khiếu nại có trách nhiệm giải quyết khiếu nại.
  • Nếu người khiếu nại không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì trong thời hạn 30 ngày, 45 ngày đối với vùng sâu, vùng xa, người khiếu nại có thể gửi đơn khiếu nại đến cấp trên trực tiếp hoặc khởi kiện ra Toà án nhân dân có thẩm quyền.
  • Trình tự, thời hạn khiếu nại lần hai được áp dụng tương tự khiếu nại lần một. Nếu không được giải quyết hoặc không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có thể khởi kiện ra Toà án nhân dân có thẩm quyền mà không tiếp tục thực hiện theo con đường hành chính.

Các trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết

Những trường hợp người khiếu nại thực hiện việc khiếu nại giải quyết tố cáo và không được thụ lý để giải quyết như sau:

  • Kết luận giải quyết tố cáo không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
  • Người khiếu nại không có đầy đủ năng lực hành vi dân sự mà không thực hiện quyền khiếu nại thông qua “người đại diện” hợp pháp;
  • Việc thực hiện quyền khiếu nại thông qua người đại diện không hợp pháp;
  • Đơn khiếu nại không có xác nhận bằng chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;
  • Thời hiệu thực hiện quyền khiếu nại đã chấm dứt mà không có lý do chính đáng;
  • Đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
  • Cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đã có văn bản đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà trong thời hạn 30 ngày, người khiếu nại không tiếp tục thực hiện việc khiếu nại.
  • Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã có bản án, quyết định của Toà án về việc giải quyết khiếu nại.

Rút khiếu nại

Trong trường hợp người khiếu nại xét thấy không cần thiết tiếp tục thực hiện việc khiếu nại kết luận giải quyết tố cáo thì người khiếu nại có thể rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết khiếu nại. Việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng văn bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại và gửi cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Sau khi nhận được đơn xin xin rút khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải đình chỉ giải quyết việc khiếu nại và có thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại.

Kết luận tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu có dấu hiệu của hành vi vi phạm thì tổ chức, cá nhân có thể thực hiện quyền khiếu nại để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Như vậy, để quyền khiếu nại của công dân được thực hiện nhanh chóng thì việc cần có các chuyên gia pháp luật tham gia hỗ trợ thực hiện quyền khiếu nại là điều vô cùng cần thiết.

Luật sư tư vấn – Công ty luật Dragon

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai