Tội trốn thuế bị xử phạt bao nhiêu năm tù?

193

Trốn thuế là hành vi như thế nào?

Trốn thuế là hành vi vi phạm quy định về quản lý thuế của Nhà nước nhằm mục đích không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế hoặc nộp ít hơn số tiền thuế mà đáng lẽ ra phải nộp. Đây là một tội phạm xảy ra rất phổ biến hiện nay. Trước đây Bộ luật Hình sự 1999 chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân. Tuy nhiên, trong thực tế phần lớn các tội phạm liên quan đến trốn thuế lại là các pháp nhân. Do đó, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (Bộ luật Hình sự) đã bổ sung thêm chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự bao gồm cả pháp nhân đối với một số tội phạm, trong đó có tội trốn thuế. Theo đó, Điều 200 Bộ luật Hình sự quy định:

“Điều 200: Tội trốn thuế

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;

b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;

d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;

đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Tội trốn thuế theo quy định tại Bộ luật Hình sự có cấu thành tội phạm như sau:

1. Chủ thể của tội trốn thuế

Chủ thể của tội trốn thuế là các cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt đến độ tuổi theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự, cụ thể là cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên, hoặc pháp nhân thương mại theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự (sau đây gọi chung là “người phạm tội”).

Chủ thể của tội phạm này mặc dù không phải là chủ thể đặc biệt nhưng cũng không phải ai hay tổ chức nào cũng có thể trở thành chủ thể của tội phạm này, mà chỉ những người/pháp nhân có nghĩa vụ phải nộp thuế theo quy định của pháp luật mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này, hay nói cách khác chủ thể của tội phạm này phụ thuộc vào đối tượng phải nộp thuế theo quy định của pháp luật đối với từng loại thuế.

2. Khách thể của tội trốn thuế

Khách thể của tội trốn thuế là chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước mà cụ thể là chế độ quản lý về việc thu thuế, nộp ngân sách. Đối tượng tác động của tội phạm này chính là số tiền thuế mà lẽ ra người phạm tội phải nộp theo quy định của pháp luật.

3. Mặt khách quan của tội trốn thuế

a) Hành vi khách quan

Người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là trốn việc nộp thuế theo quy định của pháp luật. Trốn thuế là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để không phải nộp tiền thuế hoặc để nộp tiền thuế ít hơn mức thuế phải nộp. Thủ đoạn trốn thuế có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: không ghi chép sổ kế toán đầy đủ, không xuất hóa đơn khi bán hàng hoặc ghi giá trị trên hóa đơn thấp hơn giá trị thanh toán thực tế, sử dụng hóa đơn chứng từ không hợp pháp,…

Đối với tội trốn thuế, nếu người phạm tội không có thủ đoạn gian dối để trốn thuế mà chỉ có hành vi chây ỳ không chịu nộp thuế, thì không bị truy cứu trách nhiệm đối với tội trốn thuế mà tùy từng trường hợp có thể bị xử phạt hành chính theo quy định.

b) Hậu quả

Thuế là khoản thu mang tính bắt buộc mà các tổ chức hoặc cá nhân phải nộp cho Nhà nước. Hậu quả của hành vi trốn thuế là những thiệt hại về tài sản cho xã hội và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế,… Hậu quả trực tiếp của hành vi trốn thuế là gây thiệt hại cho Nhà nước, làm cho Nhà nước không thu được một khoản ngân sách mà lẽ ra phải thu được.

Đối với tội trốn thuế, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Cá nhân khi trốn thuế với mức từ 100.000.000 đồng trở lên (Khoản 1 Điều 200), pháp nhân trốn thuế với mức từ 200.000.000 đồng trở lên (Khoản 5 Điều 200) thì hành vi trốn thuế đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp mức trốn thuế dưới mức quy định trên thì người phạm tội vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 200 khi thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

4. Mặt chủ quan của tội trốn thuế

Người thực hiện hành vi trốn thuế là do cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi trốn thuế của mình là trái pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước mà vẫn thực hiện với mong muốn chiếm đoạt số tiền thuế mà đáng lẽ phải nộp cho Nhà nước. Đối với tội trốn thuế, động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, người phạm tội trốn thuế bao giờ cũng vì động cơ tư lợi với tâm lý càng trốn được nhiều thuế thì càng có lợi.

Trên đây là quy định về tội trốn thuế với điểm mới của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 so với Bộ luật Hình sự 1999. Cá nhân hoặc pháp nhân khi thực hiện hành vi trốn thuế mà hành vi đó thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo quy định.

Nhìn lại một phiên tòa xét xử tội trốn thuế

Tòa phúc thẩm vừa tuyên y án luật sư Trần Vũ Hải phạm tội trốn thuế. Mặc dù vợ chồng luật sư Hải kêu oan rằng ông là bên mua, không phải nộp thuế thì không phạm tội trốn thuế; còn bên bán là ông Lắm thì nói rằng, ông đứng tên nhà giùm bà Hạnh nhưng bà Hạnh chỉ có một căn nhà duy nhất nên được miễn nộp thuế thì không phạm tội trốn thuế…

Phiên tòa này có đến 60 luật sư tham gia bảo vệ cho các bị cáo và hầu hết đều kêu oan cho bị cáo, nhưng cuối cùng vì sao cả 2 cấp xét xử vẫn tuyên các bị cáo phạm tội?

Trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia thuế lý giải: Thứ nhất, dù có đứng tên giùm người khác đi nữa, nhưng trước pháp luật (mối quan hệ Nhà nước và công dân) thì Nhà nước chỉ xác định người nộp thuế là người đứng tên trên giấy tờ nhà đất, đó là người phải có trách nhiệm khai nộp thuế. Còn quan hệ nhờ người khác đứng tên (quan hệ giữa các cá nhân với nhau), dù có lập chứng từ, thì đó là quan hệ dân sự, chỉ phục vụ cho việc xác định ai sở hữu “giá trị” tài sản (số tiền) mà thôi.

Do vậy, nếu người đứng tên trong sổ đỏ nợ thuế thì Nhà nước chỉ thực hiện cưỡng chế thuế đối với người đứng tên trong sổ đỏ (chứ không phải đối với người thứ ba). Từ đó, nếu tài sản đó không được khai thuế đầy đủ thì cơ quan nhà nước sẽ xử lý hình sự người đứng tên trong sổ – vì họ mới là người được nhà nước ghi nhận là chủ sở hữu hợp pháp.

Thứ hai, dù người mua không được lợi về thuế (thuế thu nhập cá nhân do bên bán nộp), nhưng bên mua vẫn bị xử lý hình sự về tội trốn thuế với vai trò đồng phạm là vì nếu “bản hợp đồng ghi không đúng giá trị thật” không được bên mua đồng ý ký thì bên bán sẽ không thể trốn thuế được. Còn việc xác định các bên có khai thuế đúng giá mua bán hay không, cơ quan tố tụng sẽ căn cứ vào hợp đồng giấy tờ khai với cơ quan thuế có khớp với các hợp đồng, giấy tờ mua bán khác hay không (như giấy đặt cọc, chứng từ thanh toán qua ngân hàng…).

Điều 7 Luật Quản lý thuế 2006 (nay là Điều 17) còn quy định rõ trách nhiệm người nộp thuế là “chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế”. Do vậy, nếu người nộp thuế khai không đúng giá mà cơ quan nhà nước có đủ cơ sở xác định là khai gian, thì căn cứ số tiền thất thu thuế trên 100 triệu đồng thì xử lý hình sự về tội trốn thuế; dưới 100 triệu đồng sẽ bị xử phạt hành chính và vi phạm hành chính 2 lần là xử lý hình sự.

Luật đã rõ, nhưng vụ án trốn thuế này do chính luật sư phạm tội và có gần 60 luật sư tham gia bào chữa, đã biến phiên tòa trở thành lạ nhất: đông luật sư nhất, bài phát biểu của luật sư – bị cáo dài nhất (chiếm hết một buổi xử) và có những yêu cầu lạ đời nhất (đã không được chấp nhận) và khiến dư luận quan tâm nhất vì… việc trốn thuế lâu nay vốn thường diễn ra nhưng rất ít trường hợp bị phát hiện xử lý!

CHẾ HÂN (SGGP)

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai