Tội trốn thuế theo quy định mới nhất của luật hình sự ?

193

Trốn thuế được hiểu là việc thực hiện các hành vi mà pháp luật không cho phép để giảm số thuế phải nộp và tăng số thuế được hoàn. Trốn thuế được xem như một tội danh được quy định trong bộ luật hình sự hiện nay. Vậy, Quy định về tội trốn thuế được quy định như thế nào ? Luật Dragon giải đáp cụ thể:

1. Tội trốn thuế khi nào vi phạm luật hình sự ?

Thưa luật sư, Xin hỏi: Hành vi trốn thuế của cá nhân, doanh nghiệp khi nào vi phạm pháp luật hình sự ? Mức phạt quy định ra sao ?

Cảm ơn!

Người hỏi: Ngô Thanh Hằng (Hà Nam)

 

Trả lời:

Tội trốn thuế được quy định tại điều 200 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) với nội dung được quy định cụ thể như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;

b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;

d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;

đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

PHÂN TICH TỘI DANH TRỐN THUẾ

Tội trốn thuế là hành vi khai báo gian dối trong sản xuất, kinh doanh để không phải đóng thuế hoặc đóng mức thuế thấp hơn nhiều so với mức phải đóng, tội trốn thuế đã được sửa đổi về số tiền trốn thuế trong Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung, với hình phạt nghiêm khắc nhất là bảy năm tù và phạt tiền 4.500.000.000 đồng.

Khách thể của tội phạm: Tội trốn thuế xâm phạm quy định của Nhà nước về thuế làm suy giảm đến ngân sách Nhà nước.
Mặt khách quan của tội phạm: mặt khác quan của tội trốn thuế được thể hiện ở hành vi khai báo gian dối trong sản xuất, kinh doanh để không phải đóng thuế hoặc đóng mức thuế thấp hơn nhiều so với mức phải đóng. Hành vi này thường thể hiện ở việc gian dối trong ke khai hàng hóa trong sản xuất hoặc kinh doanh. Tội phạm chỉ cấu thành nếu số tiền trốn thuế số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Chủ thể của tội phạm: là người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ hành vi trốn thuế của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vì vụ lợi vẫn cố tình thực hiện tội phạm. Tham khảo thêm: Luật sư tư vấn pháp luật thuế trực tuyến qua tổng đài điện thoại

2. Ai được phép thu thập thông tin về hành vi trốn thuế ?

Thưa luật sư, ai có quyền thu thập các thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định pháp luật hiện nay ?

Cảm ơn!

Trả lời:

1. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc trả lời trực tiếp.

2. Trong trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản thì khi nhận được yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin đúng nội dung, thời hạn, địa chỉ được yêu cầu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đã cung cấp; trường hợp không thể cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

3. Trong trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin bằng trả lời trực tiếp thì khi nhận được yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, người được yêu cầu cung cấp thông tin phải có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong văn bản để cung cấp thông tin theo nội dung được yêu cầu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đã cung cấp; trường hợp không thể có mặt thì phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

Trong quá trình thu thập thông tin bằng trả lời trực tiếp, thanh tra viên thuế phải lập biên bản làm việc và được ghi âm, ghi hình công khai. Luật sư trả lời: Dịch vụ luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài điện thoại

 

3. Mức phạt đối với doanh nghiệp trốn thuế ?

Thưa luật sư, anh chị luật sư tư vấn giúp em ạ: Công ty em mua nhầm 1 số hóa đơn giá trị gia tăng của công ty trốn thuế với giá trị hóa đơn là 80tr bao gồm VAT. Nếu bị cơ quan truy thu thuế và bị xử phạt thì công ty em bị xử phạt như thế nào ạ có bị phạt hình sự không ạ ?
Mong anh chị tư vấn giúp em ạ.

 

Luật sư trả lời:

Đối với thông tin dữ liệu bạn đưa ra thì chúng tôi chưa thể xác định cụ thể bên bạn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không. Tuy nhiên bên bạn có thể xem xét, đối chiếu với công văn số 11797/BTC-TCT để giải quyết, cụ thể:

BỘ TÀI CHÍNH
——-
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Số:11797/BTC-TCT
V/v hướng dẫn và bổ sung nội dung công văn số 1752/BTC-TCT
Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 2014

Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ Tài chính nhận được văn bản của một số doanh nghiệp và Cục Thuế một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh các vướng mắc khi triển khai thực hiện Công văn số 13706/BTC-TCT ngày 15/10/2013 và Công văn số 1752/BTC-TCT ngày 10/2/2014 của Bộ Tài chính về việc tăng cường quản lý đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế.

Để việc triển khai thực hiện được thống nhất và đảm bảo theo đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật về thuế. Đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong việc chấp hành các quy định về khấu trừ, hoàn thuế GTGT để trốn thuế, chiếm đoạt thuế GTGT. Bộ Tài chính hướng dẫn, bổ sung một số nội dung và yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

1. Về nguyên tắc xử lý vi phạm phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng hành vi, tính chất, mức độ vi phạm và đúng quy định pháp luật; trường hợp liên quan đến các hóa đơn đầu vào đã tổng hợp chuyển cơ quan Công an, thực hiện theo những văn bản,…. của cơ quan Công an

2. Về khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với những doanh nghiệp có mua hàng hóa, sử dụng hóa đơn đầu vào trực tiếp của doanh nghiệp và doanh nghiệp trung gian ngừng kinh doanh, bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhưng chưa có kết luận chính thức của cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng (bao gồm cả trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm trước ngày Bộ Tài chính ban hành công văn số 7527/BTC-TCT), thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 13706/BTC-TCT ngày 15/10/2013 và Công văn số 1752/BTC-CTC ngày 10/2/2014 của Bộ Tài chính: cụ thể đối với một số trường hợp thực hiện như sau:

– Trường hợp doanh nghiệp chưa thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT thì Cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để tạm dừng kê khai khấu trừ thuế GTGT đối với các hóa đơn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chờ kết quả chính thức cơ quan có thẩm quyền. Doanh nghiệp chỉ được thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các hóa đơn không có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

– Trường hợp doanh nghiệp đã kê khai khấu trừ thuế GTGT thì cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để kê khai điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã khấu trừ. Trường hợp doanh nghiệp khẳng định việc mua bán hàng hóa và hóa đơn GTGT đầu vào sử dụng kê khai khấu trừ là đúng quy định thì doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật, đồng thời cơ quan thuế phải thực hiện thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp để kết luận và xử lý vi phạm theo quy định. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải thực hiện xác minh, đối chiếu với doanh nghiệp có quan hệ mua bán về một số nội dung.

+ Kiểm tra, xác minh về hàng hóa: Hợp đồng mua bán hàng hóa (nếu có); hình thức giao nhận hàng hóa; địa điểm giao nhận hàng hóa; phương tiện vận chuyển hàng hóa; chi phí vận chuyển hàng hóa; chủ sở hữu hàng hóa và nguồn gốc hàng hóa (trước thời điểm giao nhận hàng hóa)

+ Kiểm tra xác minh về thanh toán: Ngân hàng giao dịch; đối tượng nộp tiền vào tài khoản để giao dịch; số lần thực hiện giao dịch; hình thức thanh toán; chứng từ thanh toán.

+ Kiểm tra xác minh về xuất khẩu hàng hóa: Tờ khai hải quan có xác nhận thực xuất của Cơ quan hải quan; chứng từ thanh toán qua ngân hàng; Vận đơn (nếu có).

Qua thanh tra, kiểm tra nếu xác minh được việc mua bán hàng hóa là có thực và đúng với quy định của pháp luật thì giải quyết cho doanh nghiệp được khấu trừ, hoàn thuế GTGT; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp cam kết nếu trong các hồ sơ, tài liệu doanh nghiệp xuất trình cho cơ quan Thuế sau này phát hiện có sai phạm, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, có dấu hiệu tội phạm thì lập và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Nếu việc tạm dừng khấu trừ thuế dẫn đến tăng số thuế GTGT phải nộp thì Cơ quan thuế có trách nhiệm tổng hợp, theo dõi các trường hợp này, chưa yêu cầu nộp và chưa tính phạt nộp chậm chờ kết luận chính thức của Cơ quan có thẩm quyền.

4. Để giải quyết khấu trừ, hoàn thuế đối với các trường hợp đã được Cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang Cơ quan Công an xử lý, điều tra được kịp thời. Đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại điều 103 Bộ Luật Tố tụng hình sự; Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 2/8/2013 hướng dẫn thi hành quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 23/6/2013 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ Luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực về thuế, tài chính – kế toán và chứng khoán; Công văn số 16465/BTC-PC ngày 27/11/2013 của Bộ Tài chính về việc chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để kiến nghị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bộ Tài chính thông báo để Cục thuế các tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương biết và thực hiện; trong quá trình thực hiện khó khăn, vướng mắc báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để hướng dẫn, xử lý kịp thời.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

4. Không xuất hóa đơn VAT có phải là hành vi trốn thuế không ?

Xin chào luật sư. Tôi xin phép được hỏi luật sư vài thắc mắc của tôi về vấn đề trốn thuế. Tôi đang mở 1 hộ kinh doanh các thể ngành nghề ăn uống, tôi có mua nhượng quyền thương mại của 1 công ty tại việt nam về ngành ăn uống (có ký hợp đồng vào tháng 4/2016, sau khi ký hợp đồng thì tôi mới xin giấy phép kinh doanh hộ cá thể)để được sử dụng thương hiệu của họ đối với hộ kinh doanh cá thể của tôi, số tiền mua nhượng quyền là hơn 100 triệu đồng.

Theo hợp đồng nhượng quyền thì mỗi tháng công ty họ sẽ bán nguyên vật liệu cho tôi, trung bình mỗi tháng hơn 100 triệu đồng, sau 1 năm là hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên họ không hề xuất hóa đơn tài chính vat cho tôi, kể cả số tiền hơn 100 triệu phí mua nhượng quyền ban đầu. Khi chúng tôi yêu cầu cung cấp hóa đơn vat thì công ty nói giá bán cho chúng tôi là giá chưa thuế vat, muốn xuất thì chúng tôi phải cộng thêm 10% thuế. Hiện nay có hơn 10 khách hàng mua nhượng quyền giống như tôi, ước tính số tiền hàng hóa của 10 người cộng lại là hơn 10 tỷ đồng. Và họ đều xác nhận tình trạng giống tôi là có thanh toán tiền hàng mỗi tháng đầy đủ nhưng công ty không hề xuất hóa đơn vat cho bất kỳ ai. Thêm 1 điểm lạ nữa là toàn bộ tiền mua hàng mỗi tháng họ đều yêu cầu chúng tôi chuyển khoản cho 1 cá nhân, cá nhân này không phải là giám đốc mà là 1 người lạ mà chúng tôi không hề biết mặc dù công ty có số tài khoản hẳn hoi. Duy nhất 1 lần chuyển khoản vô tài khoản công ty (giám đốc đứng tên tài khoản) là nộp phí mua nhượng quyền hơn 100tr đồng.

Vậy xin hỏi luật sư là:

1. Hành động không xuất hóa đơn vat cho chúng tôi có phải là hành vi trốn thuế của công ty nói trên hay không ?

2. Hành vi bắt chúng tôi nộp tiền mua hàng bằng cách chuyển khoản cho 1 tài khoản cá nhân chứ không phải tài khoản của công ty thì có phải công ty nói trên đang trốn thuế ?

3. Nếu 2 hành vi trên giả sử là hành vi trốn thuế, vậy nếu tôi muốn tố cáo hành vi trốn thuế này thì tôi phải đến đâu để tố cáo(tôi cùng hơn 10 khách hàng kia đều có lưu giữ chứng từ chứng minh đã chuyển khoản thanh toán tiền bán hàng cho công ty trên) ?

Trân trọng cảm ơn luật sư.

Luật sư trả lời:

Trốn thuế được hiểu là việc thực hiện các hành vi mà pháp luật không cho phép để giảm số thuế phải nộp và tăng số thuế được hoàn. Căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 13 Thông tư 166/2013/TT_BTC xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được xem là một hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Tuy nhiên, việc công ty mà đơn vị bạn ký kết hợp đồng có xuất được hóa đơn VAT hay chỉ xuất được hóa đơn bán hàng phụ thuộc vào phương pháp tính thuế của công ty này.

Về mặt nguyên tắc, Thông tư 39/2014/TT_BTC về hóa đơn, người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ. Khi bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.

Như vậy, đối với trường hợp này, việc công ty X thu tiền nhượng quyền thương mại mà không xuất hóa đơn cho khách hàng là trái quy định của pháp luật. Nếu cơ quan thuế phát hiện hành vi này sẽ bị xử lý về hành vi trốn thuế, tùy theo mức thuế công ty này trốn được ả công ty này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt hành chính.

Đối với việc sử dụng các tài khoản ngân hàng không đăng ký với cơ quan thuế để giao dịch với các bên liên quan thực chất không phải là hành vi trốn thuế theo quy định tại Điều 13 Thông tư 166/2013/TT_BTC. Mặt khác, theo hướng dẫn tại Điều 1 Thông tư 173/2016/TT_BTC sửa đổi khoản 3 Điều 15 Thông tư 219/2013/TT_BTC về thuế GTGT, tài khoản ngân hàng của bên bán và bên mua không cần phải là tài khoản đã đăng ký với cơ quan thuế. Tuy nhiên, do không phải đăng ký thì tài khoản nhận tiền vẫn phải là tài khoản của chính công ty đó, việc giao dịch thông qua một tài khoản khác có thể xem là một dấu hiệu của hành vi trốn thuế.

Để tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về thuế, bạn có thể làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan thuế đang quản lý trực tiếp công ty đó.

5. Chậm nộp thuế có được coi là hành vi trốn thuế không ?

Xin chào luật sư. Tôi có câu hỏi muốn nhờ luật sư tư vấn giúp em ạ. Công ty em nợ thuế GTGT quý 1/2016 là 38.000.000 và quý 2/2016 là 16.000.000. Do công ty em đang khó khăn về tài chính để sản xuất nên vẫn chưa có đủ tiền để nộp thuế.
Luật sư cho em hỏi đến thời điểm này bên công ty em chưa nộp thuế như vậy có bị cơ quan thuế cưỡng chế hay truy tố hình sự hay phạm vào luật trốn thuế không a?
Rất mong luật sư tư vấn giúp em a. Em xin trân trọng cảm ơn luật sư

Trả lời:

Bộ luật hình sự 2015 quy định:

Điều 200. Tội trốn thuế

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật;

b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;

d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;

g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

h) Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa;

i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.

Do đó đối với hành vi của bạn số tiền chưa đủ để cấu thành tội trốn thuế theo quy định tại Điều 161 Bộ luật hình sự, nên bạn sẽ bị xử phạt hành chính đối với hành vi này.

Tại NGHỊ ĐỊNH 125/2020/NĐ-CP QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ THUẾ, HÓA ĐƠN có quy định về chậm nộp hồ sơ khai thuế, phải bị xử phạt theo quy định tại Điều 13 NGHỊ ĐỊNH 125/2020/NĐ-CP:

“1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.

4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;

b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

d) Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.

Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;

b) Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 4 Điều này.”

Do cơ quan thuế đã phát hiện và có biên bản xử phạt về hành vi trốn thuế nên người trốn thuế sẽ phải bị xử phạt theo quy định tại NGHỊ ĐỊNH 125/2020/NĐ-CP

Bên cạnh đó, điểm b khoản 1 Điều 7 NGHỊ ĐỊNH 125/2020/NĐ-CP cũng quy định:

“b) Phạt tiền

Phạt tiền tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn. Phạt tiền tối đa không quá 50.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn.

Phạt tiền tối đa không quá 200.000.000 đồng đối với người nộp thuế là tổ chức thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế. Phạt tiền tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với người nộp thuế là cá nhân thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế.

Phạt 20% số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn.

Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế.

Phạt tiền tương ứng với số tiền không trích vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định này.”

Tại khoản 7 điều 5 của Nghị định số 12/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế quy định như sau:

” Điều 28a. Xử lý đối với việc chậm nộp thuế

Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Số thuế thiếu phát hiện qua thanh tra, kiểm tra hoặc do người nộp thuế tự phát hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 tiền chậm nộp được áp dụng theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp…”

Như vậy. theo quy định trên thì sau thời hạn quy định và thời hạn gia hạn nộp thuế mà bạn vẫn chưa nộp thuế thì trường hợp của bạn được coi là chậm nộp thuế và số tiền phải nộp sẽ thay đổi và được tính theo mức thuế 0,05%/ ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Tham khảo thêm: Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế 71/2014/QH13 và Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai