Trưng cầu giám định trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

658

Đặc trưng cơ bản của hoạt động giám định là hoạt động chuyên môn do chuyên gia hay một tổ chức thực hiện, nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ việc hay vụ án có tính chất phức tạp, kéo dài. Cơ quan, người có thẩm quyền (được pháp luật quy định) có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm thu thập chứng cứ và một trong những biện pháp đó là trưng cầu giám định. Theo đó, trong một số trường hợp bắt buộc hoặc khi xét thấy cần thiết khi giải quyết vụ việc hay vụ án, cơ quan có thẩm quyền có thể trưng cầu các chuyên gia có kiến thức về lĩnh vực chuyên môn liên quan đến vụ việc, vụ án để thực hiện giám định. Khi thực hiện giám định, người giám định phải sử dụng những kiến thức nghiệp vụ, phương pháp, quy chuẩn chuyên môn của từng lĩnh vực cụ thể để thực hiện giám định và chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định do mình thực hiện. Từ nguyên tắc chịu trách nhiệm cá nhân nên khi thực hiện giám định, người giám định không phải chịu chi phối từ phía cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền…

Xuất phát từ ý nghĩa và vai trò của việc giám định liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc ra quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo, xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 đã quy định: “Trong quá trình giải quyết khiếu nại các lần tiếp theo, người giải quyết khiếu nại có quyền:…Trưng cầu giám định, tiến hành các biện pháp khác theo quy định của pháp luật” (Điểm e Khoản 1 Điều 44). Luật Khiếu nại năm 2011 (thay thế Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998) quy định: “Người giải quyết khiếu nại lần hai có các quyền sau đây:…Trưng cầu giám định” (Điểm d Khoản 1 Điều 15); Luật Tố cáo năm 2011, trong trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo không quy định thủ tục này, nhưng quy định hồ sơ vụ việc tố cáo, gồm: “…kết quả giám định trong quá trình giải quyết” (Điểm c Khoản 1 Điều 29). Tuy nhiên, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998; Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố cáo năm 2011 chưa đưa ra khái niệm, quy định về cách thức, trình tự thủ tục; quyền, nghĩa vụ của người giám định; chi phí giám định… trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo phần nào gây không ít khó khăn cho các cơ quan Nhà nước trong việc trưng cầu giám định khi giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Năm 2013, căn cứ tình hình thực tiễn, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30/9/2013 quy định quy trình giải quyết tố cáo và Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính; trong đó đã quy định việc trưng cầu giám định trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cụ thể:

(i) Điều 18 Thông tư số 06/2013/TT-TTCP quy định quy trình giải quyết tố cáo: “1. Khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận nội dung tố cáo, xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo thì người ra quyết định thành lập Tổ xác minh trưng cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định.

2. Việc trưng cầu giám định thực hiện bằng văn bản trong đó nêu rõ tên cơ quan, tổ chức giám định; thông tin, tài liệu, bằng chứng cần giám định; nội dung yêu cầu giám định; thời hạn có kết luận giám định” (văn bản trưng cầu giám định thực hiện theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này).

(ii) Điều 15 Thông tư số 07/2013/TT-TTCP quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính: “1. Khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận nội dung khiếu nại thì người giải quyết khiếu nại hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ xác minh trưng cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định.

2. Việc trưng cầu giám định thực hiện bằng văn bản trong đó nêu rõ tên cơ quan, tổ chức giám định, thông tin, tài liệu, bằng chứng cần giám định, nội dung yêu cầu giám định, thời hạn có kết luận giám định” (văn bản trưng cầu giám định thực hiện theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này).

Tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư số 02/2016/TT-TTCP ngày 20/10/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 07/2013/TT-TTCP quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính đã sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 15 như sau: “1. Khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận nội dung khiếu nại thì người giải quyết khiếu nại quyết định việc trưng cầu giám định”.

Hiện nay, nhu cầu cần giám định để phục vụ công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ, giao dịch dân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân ngày một nhiều. Nhiều ngành, lĩnh vực đã có quy định về công tác giám định của ngành, lĩnh vực của mình; như: giám định tư pháp, giám định bảo hiểm y tế, giám định y khoa, giám định thương mại… Theo từ điển tiếng Việt: Giám định là xem xét để quyết định là có hay không. Một số ngành, lĩnh vực cũng đưa ra khái niệm về giám định riêng của ngành, lĩnh vực mình; như: Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này (Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13); Giám định thương mại, là hoạt động thương mại thực hiện việc xác định tình trạng thực tế hàng hóa, kết quả cung ứng dịch vụ và những nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng (Luật Thương mại năm 2005); Giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa là việc xem xét sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa so với hợp đồng hoặc tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng bằng cách quan trắc và đánh giá kết quả đo, thử nghiệm (Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007); theo ISO 17020:2012, giám định là kiểm tra một sản phẩm, quá trình, dịch vụ hay lắp đặt, hoặc thiết kế của chúng và xác định sự phù hợp của chúng với các yêu cầu cụ thể hoặc với các yêu cầu chung trên cơ sở đánh giá sự chuyên nghiệp…

Theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung tại Luật Giám định tư pháp số 44/VBHN-VPQH năm 2018) và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, giám định được tiến hành bằng hai hình thức, gồm: Trưng cầu giám định và yêu cầu giám định; trong đó: trưng cầu giám định chỉ do cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện; còn yêu cầu giám định là quyền của đương sự sau khi đã đề nghị do cơ quan, người có thẩm quyền trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Như vậy, trưng cầu giám định và yêu cầu giám định về cơ bản là giống nhau, chỉ khác nhau ở chủ thể yêu cầu. Người giám định là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của pháp luật về lĩnh vực có đối tượng cần giám định mà cơ quan, người có thẩm quyền trưng cầu giám định hoặc được đương sự yêu cầu giám định. Kết luận giám định là nhận xét, đánh giá bằng văn bản của người giám định về đối tượng giám định theo nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, được coi là chứng cứ làm cơ sở cho việc giải quyết vụ việc dân sự, nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do luật quy định…

Xét trên phương diện quyền công dân, hoạt động giám định góp phần bảo vệ một cách hữu hiệu các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thông qua việc tạo lập và cung cấp những chứng cứ không thể phản bác, bảo đảm an toàn cho công dân trong các quan hệ pháp luật mà họ tham gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động giám định vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế (từ cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, nhận thức của các cấp chính quyền, của tổ chức giám định, người giám định đến mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định và cơ quan quản lý nhà nước…). Một trong những nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả giám định tư pháp là do nhận thức về bản chất, vai trò, tầm quan trọng của công tác này còn chưa đầy đủ. Vì vậy, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, ý nghĩa của công tác giám định đối với việc đảm bảo sự ổn định phát triển kinh tế – xã hội là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.

Luật Tố cáo năm 2018 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019), tại Điểm b Khoản 1 Điều 34 quy định: “Người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi có một trong các căn cứ sau đây:…Cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại” và hồ sơ vụ việc tố cáo, gồm: “…kết quả giám định trong quá trình giải quyết” (Điểm c Khoản 1 Điều 39).

Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 cuả Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo (năm 2018), dành một điều (Điều 15) quy định cụ thể về trưng cầu giám định trong giải quyết tố cáo; cụ thể: Một là, khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận nội dung tố cáo, xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo thì người giải quyết tố cáo quyết định việc trưng cầu giám định. Hai là, việc trưng cầu giám định được thực hiện bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên cơ quan, tổ chức giám định; nội dung yêu cầu giám định; thời hạn đề nghị gửi kết luận giám định. Văn bản trưng cầu giám định được gửi cho người giải quyết tố cáo, người tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (văn bản trưng cầu giám định thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định); trường hợp giao cơ quan thanh tra nhà nước xác minh nội dung tố cáo thì người giải quyết tố cáo có thể ủy quyền cho cơ quan thanh tra nhà nước quyết định việc trưng cầu giám định. Ba là, cơ quan, tổ chức giám định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, khách quan, kịp thời của kết quả giám định. Bốn là, thời gian giám định không tính vào thời hạn giải quyết tố cáo.

Hiện nay, khiếu nại và giải quyết khiếu nại áp dụng theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011; tố cáo và giải quyết tố cáo áp dụng theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018. Trình tự thủ tục trưng cầu giám định về tố cáo quy định tại Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo có tính pháp lý cao và cụ thể hơn so với quy định trước đây tại Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30/9/2013 của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, để hoàn thiện toàn diện việc trưng cầu giám định, bảo đảm tính khách quan, thống nhất, khoa học và minh bạch, Thanh tra Chính phủ nên có hướng dẫn, quy định cụ thể hơn về công tác này.

Thứ nhất, cần quy định cụ thể thẩm quyền người ra quyết định trưng cầu giám định. Theo quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 và Thông tư số 02/2016/TT-TTCP ngày 20/10/2016 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính; Nghị định số 31/2019/NĐ-CP của Chính phủ thì người giải quyết khiếu nại hay tố cáo quyết định việc trưng cầu giám định. Theo Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 quy định người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hay tố cáo gồm nhiều cấp, chức danh; như: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh; người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Tổng cục trưởng, Cục trưởng và cấp tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ… Vậy, cần phân cấp cụ thể quyền trưng cầu giám định và việc thực hiện giám định, tránh trường hợp các vụ việc phức tạp, vượt quá năng lực, điều kiện giám định của tổ chức, người giám định…

Thứ hai, quy định tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ của người giám định khiếu nại, tố cáo. Kết luận của người giám định có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của cơ quan, người giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực tế cho thấy trình độ, năng lực chuyên môn, kiến thức của người giám định có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả giám định. Nếu người giám định thiếu thiếu trách nhiệm, trung thực, khách quan trong giám định thì cho dù phương pháp, phương tiện giám định hiện đại hay trình độ chuyên môn cao thì kết luận giám định cũng không bảo đảm chính xác, thậm chí có thể không đúng sự thật, dẫn đến oan sai.

Thứ ba, xây dựng và ban hành quy trình giám định khiếu nại, tố cáo để thống nhất việc trưng cầu giám định, phương pháp giám định, trình tự các bước công việc, nguồn lực được sử dụng, chế tài, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện và phối hợp.

Thứ tư, quy định thời điểm và thời gian thực hiện giám định (Nghị định số 31/2019/NĐ-CP quy định thời gian giám định không tính vào thời hạn giải quyết tố cáo), nếu thời gian giám định kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người tố cáo, người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức có liên quan. Trong thực tế có rất nhiều trường hợp do các nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau mà người được trưng cầu giám định kết luận hoặc trả lời cơ quan trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có thời gian chờ đợi rất dài kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định, dẫn đến việc người giải quyết khiếu nại, tố cáo không thể ban hành các quyết định hay kết luận để giải quyết vụ việc được.

Thứ năm, trường hợp vụ việc khiếu nại, tố cáo có nhiều nội dung cần giám định hoặc nội dung phức tạp, người trưng cầu giám định khiếu nại, tố cáo có thể tách thành nhiều nội dung trưng cầu giám định khác nhau, ra nhiều lần quyết định trưng cầu giám định để bảo đảm đáp ứng yêu cầu về tiến độ giải quyết vụ việc. Trường hợp nội dung trưng cầu giám định khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức thì người trưng cầu giám định phải xác định nội dung, lĩnh vực chính cần giám định và ghi rõ cơ quan, tổ chức chủ trì và cơ quan, tổ chức phối hợp tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định trong Quyết định trưng cầu giám định….

Công ty luật Dragon

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai