Điều tra- truy tố, xét xử là hai giai đoạn kế tiếp nhau của trình tự tố tụng hình sự. Trong đó, giai đoạn trước là tiền đề của giai đoạn sau. Giai đoạn sau tiếp tục và kiểm tra công việc của giai đoạn trước. Nói cách khác, không có việc Viện Kiểm sát truy tố bị can thì không có việc Toà án xét xử bị cáo. Bên cạnh việc quy định trách nhiệm truy tố của Viện kiểm sát, Bộ luật TTHS còn cho phép cơ quan này rút quyết định truy tố nếu thấy có căn cứ (Điều 181, 195 BLTTHS). Theo các quy định này, Viện kiểm sát có quyền rút một phần hoặc toàn bộ quýết định tuy tố, thời điểm rút có thể là trước hoặc tại phiên toà sơ thẩm. Trong thực tiễn vẫn còn có những nhận thức khác nhau xung quanh cách giải quyết vụ án khi Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên toà và nhận thức thế nào là rút một phần hoặc rút toàn bộ quyết định truy tố.
Khái niệm truy tố và rút truy tố
Quyền công tố là quyền nhân danh nhà nước thông qua thủ tục tố tục tố tụng hình sự thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Quyền công tố được thể hiện ra bên ngoài bằng hoạt động cụ thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền trong cơ quan đó gọi là thực hành hành quyền công tố. Nội dung của quyền công tố được hiểu theo nghĩa hẹp bao gồm: Kiểm sát tính hợp pháp của hoạt động tư pháp hình sự, truy tố bị can ra trước tòa án có thẩm quyền để xét xử và thực hiện việc buộc tội tại phiên toà. Ở nước ta việc thực hiện quyền công tố với những nội dung trên được giao cho cơ quan Viện Kiểm sát thực hiện.
Truy tố là một trong những chức năng của quyền công tố theo đó, Viện Kiểm sát thông qua bản cáo trạng, quyết định đưa một người đã bị điều tra ra xét xử trước toà án có thẩm quyền về một, một số tội phạm nào đó . Để thực hiện chức năng này, trong quá trình truy tố, Viện kiểm sát phải thực hiện các hành vi tố tụng: , áp dụng huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn làm bản cáo trạng, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, và thực hiện một số hoạt động điều tra. Có ý kiến cho rằng việc truy tố bị can bắt đầu từ thời điểm cơ quan kiểm sát nhận hồ sơ vụ án, trong đó bao gồm kết luận điều tra và đề nghị truy tố của cơ quan điều tra và kết thúc bằng các hành vi tố tụng sau: đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ vụ án truy tố bị can bằng bản cáo trạng.1. Tuy nhiên theo chúng tôi quyền công tố như trên đã nói gồm ba nội dung rành mạch nhưng không thể có ba giai đoạn rành mạch tương ứng với 3 nội dung đó. Bởi lẽ, trong giai đoạn xét xử vẫn cần có hoạt động kiểm sát hoạt động xét xử, trong giai đoạn xét xử nội dung truy tố vẫn được duy trì. Toà án xét xử nhưng tội danh mà viện kiểm sát truy tố, việc buộc tội của kiểm sát viên là nhằm bảo vệ cáo trạng và quyết định truy tố của Viện kiểm sát. Trong giai đoạn xét xử, viện kiểm sát vẫn có thể thực hiện việc truy tố bị cáo về tội nhẹ hơn so với tội đã bị truy tố trước đó trong bản cáo trạng, rút toàn bộ hoặc một phần quýet định truy tố. Truy tố không chỉ là cơ sở cho việc xét xử của toà án mà còn là cơ sở cho chức năng buộc tội của Viện Kiểm sát tại phiên toà.
Nếu cơ sở của việc xét xử là yêu cầu của Viện kiểm sát thể hiện bằng quyết định truy tố thì rút toàn bộ truy tố là việc Viện kiểm sát không yêu cầu toà án xét xử và không thực hiện việc buộc tội tại phiên toà một người về bất kỳ một tội phạm nào đã nêu trong bản cáo trạng. Rút một phần truy tố là việc Viện Kiểm sát vẫn duy trì truy tố và buộc tội nhưng yêu cầu toà án không xét xử một người về một, một số tội nào đó hoặc không áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đã nêu trong bản cáo trạng. Như vậy, điểm khác nhau giữa rút toàn bộ truy tố và rút một phần truy tố là việc đề nghị xét xử và buộc tội một người có được Viện Kiểm sát duy trì nữa hay không?
2.Về trường hợp Viện Kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên toà
Điều 181 BLTTHS quy định: “Nếu xét thấy có một trong những căn cứ quy định tại Điều 107 Bộ luật này hoặc có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo…thì Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên toà và đề nghị Toà án đình chỉ vụ án”. Mặc dù Điều luật không chỉ rõ Viện kiểm sát rút quyết định truy tố ở đây là rút một phần hay rút toàn bộ quyết định truy tố nhưng cần phải hiểu đây là trường hợp Viện Kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố. Bởi vì , nếu VKS rút một phần quyết định truy tố thì hoạt động truy tố vẫn tồn tại và đương nhiên còn việc truy tố thì toà án vẫn còn phải xét xử. Mặt khác, tuy điều 181 không quy định rõ nhưng Điều 180 BLTTHS đã chỉ rõ: “Thẩm phán ra quyết định đình chỉ vụ án khi viện Kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên toà” .
Theo quy dịnh tại Điều 176 thì đối với vụ án được đưa ra xét xử, giai đoạn trước khi mở phiên toà được chia làm hai giai đoạn nhỏ: giai đoạn từ khi nhận hồ sơ đến khi toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử và giai đoạn từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến khi phiên toà được mở.Trong giai đoạn từ khi nhận hồ sơ đến khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thẩm quyền ra quyết định đình chỉ[2] vụ án khi VKS rút toàn bộ quyết định truy tố thuộc thẩm phán chủ toạ phiên toà. Giai đoạn sau, thẩm quyền ra quyết định đình chỉ vụ án có những cách hiểu khác nhau. Có quan điểm cho rằng: Nếu VKS rút quyết định truy tố thì Thẩm phán chủ toạ phiên toà ra quyết định đình chỉ vụ án. Căn cứ vào Điều 180BLTTHS cho phép thẩm phán chủ toạ phiên toà đình chỉ vụ án khi “Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên toà”. Trước khi mở phiên toà như trên dã nói được tính từ khi toà án nhận hồ s vụ án đến khi phiên toà được mở. Cách làm này là vi phạm tố tụng bởi vì khoản Điều 176 quy định: Trong thời hạn 30 ngày… kể từ ngày nhận hồ sơ vu án Thẩm phán chủ toạ phiên toà phải ra một trong các quyết định sau đây:
Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án vụ án
Như vậy, thẩm phán chủ toạ phiên toà chỉ được ra các quyết dịnh trong thời hạn 30, 45, 65 ngày kể tù khi nhận hồ sơ vụ án tuỳ từng loại tội. Trong khoảng thời gian còn lại đến khi phiên toà được mở thẩm quyền ra mọi quyết định thuộc hội đồng xét xử . Như vậy mới đảm bảo nguyên tắc khi xét xử có hội thẩm nhân dân tham gia và đảm bảo được hiệu lực của quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Về thủ tục ra quyết định: Trong giai đoạn từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến khi phiên toà được mở Bộ luật TTHS không quy định thủ tục để hội đồng xét xử ra các quyết định nói chung và quyết định đình chỉ vụ án khi viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố nói riêng. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 199BLTTHS thì quyết định đình chỉ vụ án của Hội đồng xét xử “phải được thảo luận và thông qua tại phòng nghị án”. Vấn đề đặt ra ở đây là trong giai đoạn này nếu Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử có phải mở phiên toà để ra quyết định đình chỉ vụ án hay không? Và phiên toà mở để ra quyết định đình chỉ vụ án có khác gì với phiên toà bình thường không? Ví dụ có phải giải thích quyền, nghĩa vụ cho bị cáo, có hoãn phiên toà khi có căn cứ hay không? Vấn đề này theo chúng tôi cần có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền sao cho vừa tiết kiệm thời gian vừa đảm bảo thủ tục tố tụng.
Trường hợp Viện kiểm sát rút quyết định truy tố tại phiên toà
Tại phiên toà, sau phần xét hỏi, Viện kiểm sát có thể rút toàn bộ hoặc một phần quyết định truy tố (điều 195BLTTHS). Ở đây chúng tôi không bàn đến hậu quả của việc rút quyết định truy tố mà xin được đưa ra quan điểm tranh luận thế nào là rút một phần và rút toàn bộ quyết định truy tố thông qua vụ án cụ thể sau đây:
A và B cùng bị truy tố trong một vụ án giết người có đồng phạm. Tại phiên toà, sau phần xét hỏi, Viện kiểm sát rút quyết định truy tố đối vớ B về tội giết người với căn cứ không đủ chứng cứ kết luận B đồng phạm với A trong vụ án giết người này và giữ nguyên quyết định truy tố đối với A. Xung quanh vụ án này có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng đây là trường hợp VKS rút một phần quyết định truy tố. Do đó sau khi xét hỏi và tranh luận nếu they đủ chứng cứ cho thấy B đồng phạm với A về tội giết người thì Toà án có quyền kết tội B. Quan điểm này dựa trên kết luận của tài liệu tập huấn Bộ luật TTHS 2003 của Toà án nhân dân tối cao: “Lưu ý: Viện kiểm sát rút quyết định truy tố tức là rút toàn bộ quyết định truy tố (cáo trạng)…”(2).
Quan điểm thứ hai cho rằng: Đây là trường hợp Viên kiểm sát rút tòan bộ quyết định truy tố về tội giết người đối với B. Do đó nếu có đủ chứng cứ chứng minh B đồng phạm đối với A thì Toà án cũng không được ra bản án kết tội B mà giải quyết theo điều 222 BLTTHS.
Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ hai bởi các lý do sau đây:
Thứ nhất: Không nên đồng nhất giữa bản cáo trạng và quyết định truy tố. Bản cáo trạng là là văn bản áp dụng pháp luật là một trong những hình thức pháp lý của hoạt động thực hành quyền công tố. Trong một bản cáo trạng có thể chứa một hoặc nhiều quyết định truy tố một hoặc nhiều bị can. Ví dụ: Bản cáo trạng số 01 của Viện kiểm sát huyện X quyết định truy tố bị can X, quyết định truy tố bị can Y…Với cách lập luận này thì rút toàn bộ cáo trạng tức là rút toàn bộ quyết định truy tố. Còn rút một phần cáo trạng có thể là rút toàn bộ quyết định truy tố có thể là rút một phần quyết định truy tố. Chính vì đồng nhất giữa bản cáo trạng với quyết định truy tố dẫn đến việc cho rằng trong vụ án trên viện kiểm sát rút quyết định truy tố bị cáo B là rút một phần cáo trạng và cũng là rút một phần quyết định truy tố. Trường hợp này cần nhận thức: Viện kiểm sát đã rút toàn bộ quyết định truy tố đối với B và rút một phần cáo trạng.
Việc đồng nhất giữa quyết định truy tố và cáo trạng có lẽ còn xuất phát từ việc quy định không giống nhau giữa các điều 195 , 217 với khoản 1 điều 221 BLTTHS. Cụ thể: điều 195, 217 dùng cụm từ “ rút một phần quyết định truy tố” còn khoản điều 221 lại dùng cụm từ “một phần nội dung cáo trạng”.
Giả sử, nếu cũng vụ án trên tại giai đoạn điều tra, B bỏ trốn. Cơ quan điều tra tách vụ án đối với B để giải quyết sau. Viện kiểm sát truy tố A bằng bản cáo trạng số 01 toà án[3] đã xét xử và kết tội A. Sau đó bắt được B. Viện kiểm sát truy tố B bằng bản cáo trạng số 02. Trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà, Viện kiểm sát rút quyêt định truy tố B. Đến đây, xuất hiện sự bất hợp lý là chỉ vì bị truy tố trong một bản cáo trạng với A mà B (ở trường hợp bị xét xử cùng A ) vẫn bị kết tội và chỉ do bỏ trốn bị truy tố riêng bằng bản cáo trạng khác mà khi rút truy tố B được đình chỉ vụ án. Như vậy, quan điểm đồng nhất cáo trạng và quyết định truy tố và coi đây là trường hợp VKS rút một phần quyết định truy tố đối với B và vẫn xét xử kết tội bị cáo B rõ ràng khó được chấp nhận về phương diện thực tiễn và lý luận.
Thứ hai: Truy tố là một trong những chức năng của quyền công tố. Theo PGS. TS Trần Văn Độ thì: “quyền công tố mang tính cụ thể tức là chỉ xuất hiện trong trường hợp tội phạm cụ thể đã được thực hiện và đối với người phạm tội cụ thể. Không tồn tại quyền công tố chung chung”(3). Từ quan điểm khoa học này liên hệ với vụ án trên cho thấy: Mặc dù A và B cùng bị truy tố về tội giết người trong vụ án đồng phạm song vị trí, vai trò, , mức độ tham gia trong vụ án, tính chất của hành vi, nhân thân, khả năng giáo dục cải tạo… của mỗi bị cáo khác nhau. Do đó, không thể tồn tại một quyết định truy tố cho chung cho cả hai bị cáo mà chỉ có quyết định truy tố bị cáo A, quyết định truy tố bị cáo B. Hai quyết định truy tố này được thể hiện trong một bản cáo trạng. Vì vậy, Viện kiểm sát rút quyết định truy tố bị cáo B tại phiên toà phải được coi là trường hợp rút toàn bộ quyết định truy tố đối với B và rút một phần bản cáo trạng. Khi Viện kiểm sát đã rút toàn bộ quyết định truy tố đối với B có nghĩa là không tồn tại việc buộc tội trước toà đối với B nữa. Không truy tố, không duy trì việc buộc tội trước toà thì toà án không thể kết tội. Nếu toà án vẫn kết tội B sẽ vi phạm nguyên tắc : Thực hành quyền công tố tụng tố tụng hình sự- Một nguyên tắc mới được bổ sung trong Bộ luật TTHS 2003.
Cuối cùng xin bàn về điều 195 BLTTHS khi điều này cho phép Hội đồng xét xử vẫn xét xử toàn bộ vụ án ngay cả khi Viện kiểm sát đã rút toàn bộ truy tố. Bản chất của xét xử ngay cả xét xử vụ án hình sự đi chăng nữa đều là việc toà án như một trọng tài đứng ra phân xử và phán quyết khi tồn tại sự cáo buộc của bên này với bên kia. Chức năng xét xử của toà án chỉ có hai mục đích là nhân danh công lý và nhà nước kết luận một người phạm tội hay không phạm tội. Tuyên bố một người phạm tội nào đó phải dựa trên sự buộc tội và tất nhiên cần xét xử. Ngược lại không có sự buộc tội thì sự tuyên bố của toà án sẽ không có ý nghĩa bởi không ai buộc tội bị cáo thì đương nhiên họ không có tội và không cần thiết phải xét xử. Đối với trường hợp sau khi xét hỏi Viện kiểm sát rút toàn bộ truy tố thì đương nhiên phiên toà không có luận tội của Viện kiểm sát và hệ quả logic là sẽ không có tranh luận giữa viện kiểm[4] sát và bị cáo, người bào chữa, ngưòi bị hại…mà toà án vẫn ra bản án thì bản án đó có thể coi là trái pháp luật. Chính vì vậy, quy định tại điều 195 BLTTHS nếu viện kiểm sát rút toàn bộ truy tố tại phiên toà thì toà án vẫn xét xử, nếu bị cáo không có tội thì tuyên bố bị cáo vô tội cần xem xét về tính hợp lý của nó. Mặt khác, nếu viện kiểm sát rút truy tố mà toà án vẫn xét xử và kết tội, toà án sẽ làm thay chức năng buộc tội của Viện kiểm sát dẫn đến tình trạng toà vừa buộc tội, vừa xét xử và tạo ra một hệ thống 3 cơ quan buộc tội (Điều tra, Kiểm sát, Toà án) ảnh hưởng đến tính khách quan, độc lập xét xử của toà án, xâm phạm đến quyền lợi của người bị buộc tội.
Trên đây là nhận thức của chúng tôi xung quanh vấn đề rút truy tố, rút một phần truy tố và cách giải quyết vụ án hình sự khi Viện kiểm sat rút quyết định truy tố trước và tại phiên toà sơ thẩm dựa trên các quy định của Bộ luật TTHS hiện hành. /.
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai