Chữ “Tâm” của thẩm phán

84
Luật sư bào chữa tại Hà Nội – Nhiều người cho rằng làm thẩm phán cần phải có trình độ pháp lý uyên bác, thuộc luật làu làu, hỏi đâu biết đó… Những thứ đó mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ.

 Nếu thiếu một chữ Tâm thì cán cân công lý sẽ bị nghiêng ngả.

Xưa cụ Nguyễn Du từng nói: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Sinh thời, Bác Hồ cũng dạy: “Có tài mà không có đức là hỏng”. Người có tài mà chẳng có tâm thì chỉ nghĩ cho mình, nghĩ về mình mà không nghĩ về người, nghĩ đến người; họ làm gì, nghĩ gì cũng vì cái “tôi”; giải quyết việc gì họ cũng tìm cách có lợi cho mình, có người còn công khai nêu vấn đề “tôi được gì trong vụ này?!”. Có tài mà không có tâm thì chỉ tạo ra sự ganh đua, ghen tuông, đố kỵ, thấy người khác hơn mình một tí là khó chịu, dùng mọi thủ đoạn để triệt hạ. Nhưng nếu đem cái tài thu phục nhân tâm, đem lại hạnh phúc, tình thương cho mọi người thì chữ “Tâm”, chữ “Tài” quyện với nhau là một.

Khi luận bàn về chữ “Tâm”, các chuyên gia ngôn ngữ đã phân tích khá đầy đủ và sâu sắc về ý nghĩa của chữ này. Văn hóa Đông-Tây tuy có nhiều khác biệt nhưng đều lấy “Tâm” để diễn tả tình cảm của con người. Chữ “Tâm” qua cách viết tượng hình được các bậc cao niên giảng giải là những giọt máu đỏ thắm trong trái tim nóng hổi. Bởi vậy, là người khi làm gì cần một trái tim nóng chứ không cần cái đầu nóng.

Chữ “Tâm” là phạm trù cơ bản trong đạo lý truyền thống của dân tộc. Chữ “Tâm” không phải là một khái niệm trừu tượng chỉ để tôn thờ, mà nó hiện diện ngay ở tấm lòng của mỗi người và được thể hiện trong hành động, ở tinh thần trách nhiệm đối với công việc, ở cách xử sự giàu lòng nhân ái, ở thái độ bất bình trước những thói hư, tật xấu, luôn đứng về phía chân lý và sự công bằng.

Chữ “Tâm” được thể hiện rất rõ trong các kết hợp ngôn ngữ phổ biến: tâm đức, nhân tâm, tâm huyết, nhiệt tâm, thành tâm, thiện tâm, công tâm, nhất tâm… Những ai không có tâm đều không có trí.

Người không có tâm thì cũng không có đức. Người có tâm là người biết xót thương trước bất công, thấy người khác hoạn nạn thì động lòng trắc ẩn; có tấm lòng ngay thẳng, không gian dối, quanh co, không ngụy biện, che đậy những thói hư tật xấu; biết cảm thông, tha thứ, bao dung; biết an ủi chia sẻ, giúp đỡ người khác; không hờn oán, ghen ghét đố kỵ; dám hy sinh vì lợi ích cao cả.

Người thẩm phán có tâm phải là người tôn trọng sự thật, bảo vệ lẽ phải, không bị chi phối bởi bất cứ sự can thiệp nào dù đó là sự can thiệp của cấp trên, của người thân và nhất là sự chi phối của tiền tài, địa vị; phải luôn coi hiến pháp, pháp luật là vị tư lệnh tối cao. Người thẩm phán có tâm còn phải là người dũng cảm, dám làm dám chịu, không nịnh bợ ton hót, luôn giữ cho lòng mình thanh thản, trong sáng; không làm điều xấu xa độc ác, sống độ lượng khoan dung; đừng sợ “nồi cơm nhà mình chưa chín” hay vì cái ghế đang ngồi hoặc sợ con đường công danh bị trắc trở mà phải miễn cưỡng xét xử theo “sự chỉ đạo” của người này, người khác; thẩm phán có tâm đừng làm những việc mà người đời loan truyền trong dân gian: “Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”!

Người thẩm phán có tâm cũng rất cần lòng vị tha, bao dung nhưng không được thiên vị, phải luôn giữ cán cân công lý; đừng để đồng tiền làm hoen ố danh dự và tâm hồn; đừng để cái “tà tâm” nó thắng lương tâm mà sinh ra lòng tham rồi nhận hối lộ để công lý “đội nón ra đi”! Đừng để cái “nhẫn tâm” mà kết án oan người vô tội. Thẩm phán “phải phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” như Bác Hồ dạy để luôn giữ được tâm trong sáng. Đồng thời luôn luôn răn mình: Làm oan một người là việc ác; minh oan cho một người là làm một việc đức; xử đúng pháp luật là làm một việc thiện.

Thẩm phán phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức; luôn giữ cái “Tâm” trong sáng, để xứng đáng là “Bao thanh thiên” trong lòng dân tộc.

ĐINH VĂN QUẾ (phapluattp)

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai