Bài bào chữa vụ án Giết người

228

BÀO CHỮA CHO BỊ CÁO NGUYỄN TẤN PHƯƠNG VÀ BỊ CÁO ĐẶNG VĂN THÂN CAN TỘI “GIẾT NGƯỜI” TRƯỚC TÒA PHÚC THẨM TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI ĐÀ NẴNG XỬ LƯU ĐỘNG TẠI TRỤ SỞ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH DAK

I. Quyết định của án sơ thẩm:

Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2009/HS-ST ngày 25, 26 tháng 02 năm 2009 của TAND Tỉnh ĐakLak đã nhận định và tuyên phạt:

– Bị cáo Nguyễn Tấn Phương cầm cây gậy sắt đánh 02 (hai) cái vào vùng hông của anh Trương Minh Quốc (BL số 2249) nên đã áp dụng điểm a, c khoản 1 Điều 93 BLHS xử phạt Nguyễn Tấn Phương 14 năm tù về tội “Giết người” (BL số 2251).

– Bị cáo Đặng Văn Thân sau khi thấy số công nhân của mình bị đánh và bị đập phá tài sản trong lán, Đặng Văn Thân đã “hô hào”: “Anh em đâu dậy đánh lại bọn chúng” (BL số 2248) nên cũng đã áp dụng điểm a, c khoản 1 Điều 93 BLHS xử phạt Đặng Văn Thân 20 năm tù (BL số 2250).

II. Cần xem xét lại tội danh “Giết người” với các chứng cứ mà cơ quan CSĐT đã thu thập và diễn tiến cuộc thẩm vấn các bị cáo Phương và bị cáo Thân tại phiên tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm:

A. . Đối với bị cáo Nguyễn Tấn Phương:

1. Lời khai của Nguyễn Tấn Phương tại cơ quan điều tra và tại hai cấp tòa xét xử vụ án thể hiện: lúc Trần Văn Dũng, Trương Minh Quốc và đồng phạm vô cớ dùng hung khí xông vào tấn công mọi người và đập phá tài sản trong lán trại thì Nguyễn Tấn Phương còn đang ngủ say, Phương chỉ tỉnh giấc khi được chị Bình, chị Thúy đánh thức và báo cho biết sự việc đã và đang xảy ra ở khu vực lán trại, Phương liền đi tìm hiểu sự việc. Trên đường đi ra phía ngoài lán thì bất ngờ Phương bị hai đối tượng lạ mặt đi xe máy ném đá trúng vào mặt làm Phương ngất xỉu (BL số 256). Khi hồi tỉnh, Phương đi đến cây xăng nằm trên trục đường Quốc lộ 14 thì gặp Ngô Thanh Phong, Phong thấy Phương đi tay không nên đưa cho Phương 01 (một) thanh sắt giằng chéo giàn giáo xây dựng đã bị gãy, dài khoảng 80cm để tự vệ.

2. Căn cứ vào kết quả hoạt động điều tra được kiểm chứng tại phiên tòa hôm nay thì hành vi của Nguyễn Tấn Phương không ảnh hưởng đến cái chết của Trương Minh Quốc, nạn nhân duy nhất của vụ án mà Phương “lỡ tay” dùng thanh sắt giàn giáo đánh 02 (hai) cái vào đùi.

Các bút lục có trong hồ sơ vụ án phản ảnh hiện trường xảy ra vụ án chưa làm sáng tỏ nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của Trương Minh Quốc:

+ Một là: Khi bị ném cây trúng tay lái khiến Trương Minh Quốc loạng choạng, cả người và xe đều ngã xuống mặt đường nhựa, Quốc bị thương tích lại bị hành hung dẫn đến tử vong. Nếu cái chết của Quốc diễn ra như vừa đề cập thì Nguyễn Tấn Phương không thể là đồng phạm tạo ra cái chết của Quốc.

+ Hai là: Có thể là do hoảng hốt khi bị chặn đánh, Trương Minh Quốc không làm chủ được tay lái trong lúc đang điều khiển xe máy với tốc độ cao đã đâm vào xe container biển số 81L – 1197 đang đậu bên đường dẫn đến bị thương nặng rồi tử vong. Trong tình huống này thì cái chết của Trương Minh Quốc cũng không phải do Nguyễn Tấn Phương tạo ra.

Sở dĩ chúng tôi phủ nhận hành vi giết người của Nguyễn Tấn Phương vì theo kết luận giám định pháp y thì: Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của Trương Minh Quốc (BL số 63) là do vết da chấn thương vùng đầu gây ra. Trong khi đó, Nguyễn Tấn Phương đánh Trương Minh Quốc ở đùi trái không gây chấn thương, không để lại bất cứ dấu vết nào trên cơ thể Trương Minh Quốc.

Có thể nói cả 02 (hai) tình huống chúng tôi vừa nêu thì Nguyễn Tấn Phương cũng không góp phần tạo ra cái chết của Trương Minh Quốc. Theo chúng tôi, có nhiều khả năng Phương phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” quy định tại điều 245 BLHS thay vì tội “giết người” quy định tại điều 93 BLHS, là phù hợp với thực tế dấu vết thể hiện tại hiện trường vụ án.

Hồ sơ điều tra không xác định cái chết của Trương Minh Quốc xảy ra vào thời điểm nào (Trước hay sau khi Nguyễn Tấn Phương đánh vào người Quốc?). Theo nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị cáo, có phải Trương Minh Quốc đã chết trước khi Nguyễn Tấn Phương đánh. Nhận định của chúng tôi phù hợp thực tế khách quan. Vì sau khi đánh Quốc, Nguyễn Tấn Phương liền dùng tay lắc đầu Quốc thì Quốc không còn cử động nữa.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng vẫn đề cập tới nhân thân tốt của Nguyễn Tấn Phương để Quý Tòa xem xét: Ngoài các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điều 46 BLHS mà bản án sơ thẩm đã ghi nhận thì bị cáo Phương còn có tình tiết giảm nhẹ mới quy định tại điểm b khoản 1 điều 46 BLHS đó là: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”. Bị cáo Phương đã nhờ gia đình khắc phục hậu quả vụ án bằng cách nộp toàn bộ số tiền thiệt hại cho nạn nhân theo như án sơ thẩm đã tuyên (Biên lai nộp tiền số 00437 ngày 12.6.2009 của cơ quan thi hành án dân sự tỉnh DakLak).

B. Đối với bị cáo Đặng Văn Thân

1. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và ghi nhận qua cuộc thẩm vấn tại phiên tòa phúc thẩm cho thấy:

Đặng Văn Thân đã hô hào: Anh em công nhân xây dựng ở lán trại đánh lại Trần Văn Dũng, Trương Minh Quốc và phe nhóm, dẫn đến cái chết của Trương Minh Quốc, Lê Văn Toàn, Trần Quốc Tuấn, Hoàng Minh Diện. Theo bản án sơ thẩm (BL số 2246) thì Đặng Văn Thân đã nói “Anh em đâu, dậy đánh lại bọn chúng”.

Nhận định như thế là chủ quan, không phản ánh đúng sự thật của sự việc đã diễn ra. Bởi lẽ:

– Khi bị nhóm côn đồ Trần Văn Dũng, Trương Minh Quốc đánh đập, đâm chém và phá hoại tài sản, chính Đặng Văn Thân cũng bị 03 (ba) thanh niên trong nhóm côn đồ nói trên do Trần văn Dũng cầm đầu khống chế (kề dao vào cổ), đe dọa sức khỏe, tính mạng. Được bọn Trần văn Dũng thả ra, quá bức xúc, Thân nói: “Tôi thấy ức quá, la lên dậy đánh lại tụi nó”. Khách quan mà nói: là người đội trưởng đội xây dựng, lại lớn tuổi hơn các anh em trong tổ, Đặng Văn Thân thấy mình có trách nhiệm nhắc nhở anh em tự vệ và giữ gìn tài sản đề phòng bọn Trần Văn Dũng, Trương Minh Quốc… tái diễn màn đập phá tài sản, hành hung anh em tổ viên của Thân.

– Đặng Văn Thân còn thể hiện tinh thần trách nhiệm trước anh em công nhân và ý thức tôn trọng luật pháp. Bằng chứng là: ngay sau khi sự việc xảy ra trong lán trại, Đặng Văn Thân đã nói và hành động ôn hòa thể hiện tại Biên bản ghi lời khai ngày 12.6.2007 (BL số 382): “Tôi đi sau, khi ra đến đường thì thấy anh em của tôi quay lại và nói tụi nó chạy hết rồi, tôi mới nói: Chạy hết thì thôi, để mình báo bảo vệ xí nghiệp Trường Thành ra can thiệp và xem hiện trường để báo Công an làm việc. Nói xong tôi xuống cổng bảo vệ báo người trực và anh Bê tổ trưởng bảo vệ”.

2. Lúc hai bên xô xát dẫn đến chết người thì nhóm của Trần Văn Dũng, Trương Minh Quốc đã rút khỏi lán trại rồi mới quay trở lại tiếp tục tấn công, ném đá vào số công nhân xây dựng. Còn sự việc xảy ra ngoài lán trại vào lúc 1 giờ 45 phút hôm sau tức ngày 12/6/2007.

Ở giai đoạn hai của vụ án, hai phe tấn công nhau dẫn đến chết người thì Đặng Văn Thân vẫn đang làm việc với đội trưởng bảo vệ Xí nghiệp gỗ Trường Thành, điện thoại báo cáo sự việc với công an huyện EaHLeo và chờ công an huyện đến giải quyết.

Điều này cho thấy: Ở giai đoạn này Đặng Văn Thân không liên quan, không có ảnh hưởng gì đến tiến trình diễn biến của sự việc xô xát dẫn đến chết người. Phải chăng trong vụ án này Đặng Văn Thân nếu có phạm tội thì mức độ và hành vi chỉ dừng lại ở tội danh “Gây rối trật tự công cộng”.

3. Về nhân thân của Đặng Văn Thân:

A. . Bị cáo Đặng Văn Thân có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, đã từng phục vụ trong hàng ngũ Quận đội nhân dân Việt Nam, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian quân ngũ.

B. Hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn, vợ Đặng Văn Thân không có nghề nghiệp ổn định, đi làm thuê, thu nhập rất thấp (chỉ từ 15 – 20 ngàn đồng/ ngày), có 6 con còn nhỏ dại, cháu lớn nhất 13 tuổi, nhỏ nhất mới 4 tuổi, trong đó có 2 cháu bị thiểu năng trí tuệ, không tự chăm sóc bản thân được, cần sự chăm sóc đặc biệt (có giấy xác nhận kèm theo).

C. Sau khi TAND tỉnh Daklak xử sơ thẩm, gia đình của Thân đã tích cực tiếp tục bồi thường phần lớn thiệt hại, cụ thể là đã bồi thường được 14 triệu đồng trong số tiền 17.000.000 đồng mà đại diện bị hại đòi hỏi (biên lai nộp tiền số 00451 ngày 24.6.2009 của cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Dak Lak).

D. Đặc biệt bị cáo Đặng Văn Thân thuộc gia đình có truyền thống Cách mạng đã không tiếc máu xương đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp thống nhất đất nước và nên độc lập của dân tộc. Cụ thể:

– Bằng khen của Hội đồng Bộ Trưởng tặng bà Phan Thị Đẹp “Đã có công góp sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Bà Đẹp là bà nội của Đặng Văn Thân.

– Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huân chương quyết thắng cho ông Đặng Trì vì “Đã có thành tích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam Việt Nam”. Ông Đặng Trì là cha của Đặng Văn Thân

– Bảng gia đình vẻ vang chống Mỹ cứu nước của Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tặng ông Đặng Trì và bà Trần Thị Thành (bà Thành là mẹ của Đặng Văn Thân).

– Huân chương kháng chiến hạng Ba của Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng liệt sĩ Đặng Thị Thanh vì “Đã có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Liệt sĩ Đặng Thị Thanh là chị ruột của Đặng Văn Thân

– Huy chương chiến sĩ giải phóng của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng liệt sĩ Đặng Thị Thanh “Đã làm tròn nhiệm vụ trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống Mỹ cứu nước”.

– Bằng Tổ quốc ghi công của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ghi công của liệt sĩ Đặng Thị Thanh đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

III. Đề nghị xử lý đối với bị cáo Đặng Văn Thân và bị cáo Nguyễn Tấn Phương:

Qua phân tích và nhận định trên, chúng tôi để nghị quý tòa tuyên: Bị cáo Đặng Văn Thân và bị cáo Nguyễn Tấn Phương không phạm tội “giết người” (Điều 93 BLHS) mà chỉ phạm tội “gây rối trật tự công cộng” (Điều 245 BLHS) phạt bị cáo Thân và bị cáo Phương: mỗi bị cáo 02 (hai) năm tù tương ứng với thời gian mà mỗi bị cáo đã bị bắt tạm giam từ ngày 13 tháng 6 năm 2007 cho đến ngày tuyên bản án phúc thẩm hôm nay.

Rất mong được quý tòa chấp nhận quan điểm bào chữa trên đây của chúng tôi

Trân trọng.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai